Nhà báo Nguyễn Thị Hoa cho biết, khó khăn nhất khi thực hiện tác phẩm này là thu âm được những chia sẻ từ phía phụ huynh. Dù đã đặt vấn đề khai thác câu chuyện từ trẻ và gia đình trẻ nhưng nhiều phụ huynh vẫn e ngại, không muốn lên sóng chia sẻ câu chuyện của gia đình mình.
Điều đó cho thấy không nhiều phụ huynh mở lòng, đôi khi họ không chấp nhận việc con mình mắc chứng rối loạn tự kỷ, đôi khi trốn tránh không muốn đối mặt, không sẵn sàng để chia sẻ vấn đề này.
“Chính vì vậy khi thực hiện tác phẩm, chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục, nói cho các phụ huynh hiểu công việc chúng tôi đang làm, điều chương trình mong muốn đem tới. Qua đó đã thuyết phục được họ lên sóng và chủ động chia sẻ cùng chương trình”, nhà báo Nguyễn Thị Hoa nói.
Bên cạnh đó, để có cái nhìn chân thực nhất về công việc của các thầy cô giáo, chương trình thực hiện trực tiếp tại phòng thu và tại cơ sở hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập – nơi đang dạy học cho trẻ tự kỷ.
Để có thể trò chuyện cùng trẻ khi thực hiện phát sóng tại đây cũng không đơn giản. MC chương trình đã phải làm quen trước, trò chuyện với trẻ rất nhiều lần, để trẻ quen thuộc với mình và khi lên sóng có sự hợp tác của trẻ.
Theo nhà báo Nguyễn Thị Hoa, cũng như mọi năm, năm nay Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được số lượng lớn tác phẩm dự thi.
Các tác phẩm dự giải đều được đánh giá tốt, đã bám sát các chủ đề lớn liên quan đến sự nghiệp giáo dục Việt Nam, nhiều bài có tính chất phản biện mạnh mẽ… với cách thể hiện độc đáo, sáng tạo.
Qua đó cho thấy sức hút mạnh mẽ, chất lượng và tác động tích cực của giải báo chí này. Bên cạnh đó cũng cho thấy tâm huyết, sự yêu nghề, say mê của những người cầm bút.
Đây cũng là cơ hội để những người làm báo giao lưu, học hỏi, qua đó hoàn thiện hơn nữa kỹ năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí.