Bước vào năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục các tỉnh vùng sâu, xa ở Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng
Một trong những tồn tại nhiều năm qua của ngành Giáo dục một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long là thiếu giáo viên. Theo thống kê, biên chế giao cho ngành Giáo dục Cà Mau đến tháng 8/2024 là hơn 15.400 người, trong khi nhu cầu giáo viên, nhân viên các cấp trên 16.700 người. Như vậy, so với biên chế được giao còn thiếu hơn 1.300 người.
Tại Bạc Liêu, năm học 2024 - 2025 ngành Giáo dục được giao khoảng 8.300 biên chế giáo viên (mầm non hơn 1.700 giáo viên; tiểu học: 3.270 giáo viên; THCS: 2.400 giáo viên; THPT xấp xỉ 930 giáo viên). Tuy nhiên, hiện địa phương mới sử dụng 7.068 biên chế ở các cấp học nên vẫn còn thiếu hơn 1.250 giáo viên.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, ngành Giáo dục các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên. “Sở GD&ĐT Bạc Liêu chủ động chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu; tìm nguồn giáo sinh mới ra trường thực hiện hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được giao.
Thỉnh giảng giáo viên các cơ sở giáo dục khác hoặc phân công tăng số tiết dạy cho giáo viên trong định mức cho phép. Ngoài ra, sở phối hợp các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức năm học 2024 - 2025 (dự kiến thực hiện trong tháng 10/2024) để đáp ứng hoạt động giảng dạy và triển khai Chương trình GDPT 2018”, ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Ngoài những giải pháp tương tự tỉnh Bạc Liêu, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp, xóa điểm lẻ ít học sinh, không còn phù hợp để dồn về điểm chính. Đồng thời, rà soát điều kiện cơ sở vật chất, số học sinh của từng cơ sở giáo dục để có phương án tổ chức, sắp xếp học sinh/lớp đảm bảo phù hợp, khả thi với điều kiện từng địa phương.
“Chúng tôi tiếp tục rà soát, đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhân viên còn thiếu theo Đề án vị trí việc làm được cấp thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT năm 2018 giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 phù hợp thực tế.
Ngoài ra, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép ngành Giáo dục tuyển dụng số biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp theo nhu cầu và khả năng cân đối kinh phí của nhà trường”, ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau thông tin.
Huyện Ngọc Hiển - một trong những địa phương của tỉnh Cà Mau thường xuyên thiếu giáo viên nhưng lại khó tuyển dụng. Theo ông Lê Xuân Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện, năm học này, huyện chủ yếu thiếu đội ngũ dạy môn Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học.
Tuy nhiên, phòng GD&ĐT huyện khắc phục bằng cách xây dựng phương án bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy liên trường, liên cấp và kết hợp các giải pháp khác. Do đó, hiện đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học theo Chương trình GDPT 2018 năm học này.
Cùng với khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, để thực hiện Chương trình GDPT 2018, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư mua sắm đưa vào sử dụng thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, lớp 2, lớp 6 và thiết bị dạy và học Ngoại ngữ, Tin học cho các trường tiểu học công lập trên địa bàn. Riêng thiết bị dạy học tối thiểu đối với khối lớp còn lại, sở đang thực hiện quy trình đầu tư mua sắm.
Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên; tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 9, 12; tập huấn xây dựng câu hỏi thi theo Chương trình GDPT 2018; tập huấn giải Toán trên máy tính cầm tay cho giáo viên cấp THCS, THPT... Việc này được tổ chức trước khi bước vào năm học mới để cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ năm học theo chương trình mới đề ra.
Ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục”. Phương châm hành động của ngành là “Lấy học sinh là trung tâm; thầy, cô giáo là động lực; nhà trường là bệ đỡ; gia đình điểm tựa và xã hội là nền tảng”.
“Để hoàn thành mục tiêu, năm học mới, toàn ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên.
Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến người dân tộc thiểu số, sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo”, ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho hay.
Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Cà Mau có 491 trường học, cơ sở giáo dục với gần 7.100 lớp học, hơn 228.000 học sinh và trên 16.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
“Ngành Giáo dục Cà Mau tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018; biên soạn và thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, lớp 9 và lớp 12 đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Ngành cũng triển khai các giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ.
Mặt khác, thực hiện tốt Đề án sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, xa, bãi ngang ven biển, đông đồng bào dân tộc thiểu số... nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, từng bước rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng nông thôn, vùng sâu, xa với khu vực thành thị”, ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau chia sẻ.
Tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu xác định chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm cần đẩy mạnh trong năm học 2024 - 2025. Theo đó, ngành Giáo dục các địa phương sẽ tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành...