Tương tự, tại quận Thanh Xuân, một chung cư mini trên phố Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân) diện tích 58m2 cũng đang được rao bán với giá 12,5 tỷ đồng. Chung cư mini này được chủ nhà xây dựng 7 tầng, 15 căn hộ khép kín và được giới thiệu doanh thu từ cho thuê lên tới gần 1 tỷ đồng/năm.
Tìm hiểu được biết, vì chủ mắc kẹt khoản tiền lớn đầu tư đất nền trước đó, nay chấp nhận rao bán căn nhà trên để trả ngân hàng.
Cũng là một người mua đất xây nhà cho thuê, anh Bách – một nhà đầu tư trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho hay, năm 2018, anh chi số tiền hơn 8 tỷ đồng mua mảnh đất hai mặt tiền trong ngõ để xây khách sạn vài chục phòng cho thuê, tiền xây dựng và hoàn thiện nội thất hơn 4 tỷ đồng. Tổng chi phí đầu tư là 12,5 tỷ đồng nhưng gần phân nửa tiền là đi vay ngân hàng.
“Tôi hy vọng sau khi vận hành sẽ lấy tiền thuê trả dần gốc lãi. Về lâu dài, sau khi trả hết khoản nợ, thì tiền thuê nhà sẽ là nguồn thu ổn định”, anh Bách nói và cho hay khi tòa nhà vận hành được gần 1 năm thì dịch Covid-19 ập tới. Hai năm sau đó không có khách du lịch, doanh thu thuê phòng dường như bằng không. Để khỏi trống phòng, anh đã chuyển hướng cho người làm văn phòng thuê, đồng nghĩa doanh thu giảm 1/2 , khoản nợ ngân hàng hơn 100 triệu mỗi tháng vì đó trở thành áp lực lớn.
Một khách sạn mini chuyên cho người nước ngoài thuê, chủ cũng đang rao bán
Thời gian gần đây, anh Bách chuyển hướng kinh doanh và quyết định rao bán căn nhà trên với giá 17 tỷ đồng, tuy nhiên sau gần nửa năm, giá cao nhất mà người mua đưa ra là 15 tỷ đồng.
Hiện căn nhà vẫn chưa thể bán, anh Bách tiếp tục cân đối dòng tiền để trả khoản tiền ngân hàng mỗi tháng. “Dù có bán nhà được 17 tỷ thì tính ra tôi vẫn lỗ nếu so với chi phí cơ hội và chi phí vận hành khách sạn trong mấy năm qua. Nhưng đầu tư thì chấp nhận rủi ro, biết làm sao” – anh Bách nói thêm.
Thực tế, khá nhiều người mua đất để không rồi chờ tăng giá. Cũng có người mong muốn có thêm một dòng tiền hàng tháng, nên lại bỏ tiền vào xây nhà cho thuê, khách sạn. Lúc bán, họ sẽ ra giá sao cho họ lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, trải qua 2 năm dịch vừa qua, thì kế hoạch đầu tư cho thuê khiến hàng loạt nhà đầu tư “nếm trái đắng”.
"Không ít chủ đầu tư nghĩ đơn giản rằng sau khi xây chung cư, có nhiều phòng cho thuê sẽ lấy tiền đó để trả lãi mà không lường được khó khăn trước mắt. Hiện nay, áp lực trả lãi và khó khăn từ các kênh đầu tư khác buộc họ phải rao bán để chấm dứt nợ là điều tất yếu", một môi giới cho biết.
Ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường R&D DKRA Group - nhận định, việc cắt lỗ đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều phân khúc bất động sản do chủ nhà gặp áp lực tài chính.
Ông Võ Hồng Thắng phân tích, trong thời gian qua, tình trạng cắt giảm nhân sự, mất việc ở các ngành nghề kinh doanh, sản xuất, lãi suất ngân hàng tăng, nhiều khoản thu nhập của chủ nhà không còn đủ để gồng gánh trả nợ cho ngân hàng nên buộc họ phải bán nhà. Tuy nhiên, việc bán nhà thời điểm này không hề dễ dàng, để bán được nhà buộc chủ nhà phải hạ giá thấp hơn dù biết là thiệt đơn thiệt kép.