(GDTĐ) - Khai bút đầu xuân là một phong tục đẹp, một nét văn hóa đã có từ lâu đời của người Việt. Ngày nay, với sự phổ biến của các thiết bị ghi chép bằng công nghệ thì nhiều công việc, ngành nghề đã không còn tốn giấy mực nữa. Tuy nhiên, truyền thống khai bút đầu xuân vẫn được gìn giữ nhưng một cách cầu điều may mắn, thuận lợi, suôn sẻ cả năm.
Khai bút đầu năm là gì?
Khai bút đầu năm (hay còn gọi là khai bút đầu xuân) là tập tục từ xa xưa của người Việt, thể hiện qua việc chúng ta chắp nét bút để viết nên những con chữ đầu tiên và những ngày đầu năm mới. Người xưa quan niệm những nét bút mạch lạc, rõ ràng, đẹp đẽ viết ra những điều tốt lành giống như một lời cầu chúc năm mới đến mọi sự thuận lợi, suôn sẻ, hanh thông. Việc khai bút đầu xuân đặc biệt được những người trong ngành giáo dục, học sinh, sinh viên, những ai làm công việc liên quan đến viết lách, gắn bó với câu chữ coi trọng.
Truyền thống khai bút đầu năm vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ, tuy nhiên ngày nay việc này có một vài thay đổi so với tập tục khi xưa. Nếu như trước đây việc khai bút đầu năm thường được các ông đồ, nhà nho, các bậc học sĩ thực hiện thì ở thời hiện đại, bất cứ ai cũng có thể làm việc này. Đối tượng phần lớn vẫn là học sinh, người làm nghề giáo dục, nhà văn, nhà thơ, nhà báo,…
Ngày xưa, những ông đồ thường chuẩn bị những câu đối đỏ mang ý nghĩa tốt đẹp với nét chữ “rồng bay phượng múa” vào dịp Tết. Họ có thể bán hoặc tặng cho những ai mến mộ và muốn treo câu đối trước nhà để cầu bình an, tài lộc. Hình ảnh ông đồ “Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua” trong bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên giúp ta hình dung rõ ràng hơn. Thông qua công việc “cho chữ” này, thì các ông đồ, nhà nho cũng thực hiện tục khai bút đầu năm.
Ngày nay, việc khai bút đầu năm có thể không phức tạp và trang trọng như vậy, nhưng thường những dòng chữ viết ra vào đầu năm mới vẫn là những lời chúc tốt đẹp, cầu an lành, hạnh phúc. Đây cũng là một cách để các bạn học sinh, sinh viên
và người thuộc nhiều ngành nghề khác thể hiện sự tôn trọng với tiếng Việt, với con chữ, với người nhận chữ và cả sự nghiệp học hành.
Nguồn gốc khai bút đầu xuân
Theo truyền thuyết kể lại, tục lệ khai bút đầu năm đã có từ thế kỷ thứ 13, tức là vào thời nhà Lý – Trần. Phong tục đẹp này gắn liền với nhà giáo Chu Văn An – Người thầy được các thế hệ học trò kính trọng và các câu chuyện về ông còn truyền mãi đến ngày nay. Ông từng đậu Thái học sinh tuy nhiên ông không nhận chức mà quyết định ở lại vùng đất Chí Linh (thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay) để dạy học. Vào ngày Tết khi học trò đến thăm thầy, ông thường tự tay viết tặng chữ cho họ.
Ý nghĩa của phong tục khai bút đầu năm
Khai bút đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Từ xưa, các vị học sĩ, học giả vào ngày đầu năm mới hoặc chính xác ngay sau thời khắc giao thừa sẽ đốt lư trầm trên bàn sau đó tay cầm bút thảo ra những nét chữ đầu tiên một cách thành tâm. Đó có thể là một câu đối trọn vẹn hoặc chỉ đơn thuần là những chữ mang ý nghĩa tốt lành như An, Lộc, Phúc, Thọ, Tín,… Những nét chữ đẹp với câu từ hay như một lời cầu chúc cho năm mới mọi sự hanh thông, trọn vẹn và viên mãn.
Tục khai bút đầu năm còn là truyền thống thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, cầu cho năm học sắp tới sẽ đạt được những thành tích tốt. Vì vậy có thể hiểu tại sao đến nay tập tục này còn được duy trì trong lứa tuổi học sinh, sinh viên. Khai bút đầu xuân còn gắn liền với nét đẹp tâm hồn và tri thức, nên càng được nhân rộng đến các đối tượng, tầng lớp khác trong xã hội.
Nhìn chung thì tục lệ khai bút đầu năm không đòi hỏi nghi thức quá cầu kỳ, rất dễ thực hiện và chỉ cần chúng ta bỏ một ít tâm sức nhưng lại mang giá trị truyền thống sâu sắc.
Khai bút nên viết gì ?
Dòng chữ đầu tiên của năm mới thường thể hiện mong muốn, ý nguyện của bản thân, lời chúc may mắn, tốt lành đến với người thân, bạn bè… Chúng ta có thể lựa chọn rất nhiều nội dung khác nhau như câu đối, danh ngôn, lời chúc tết. Phổ biến có thể kể đến như: Vạn sự như ý; Tấn tài tấn lộc; An khang thịnh vượng; Công thành danh toại; Đức tài như ý; Đại phú đại quý; Phúc lộc an khang; Năm mới, công việc như ý, giàu sang phú quý; Chúc tết đến trăm điều như ý - Mừng xuân sang vạn sự thành công; Xuân an khang thịnh vượng - Niên phúc thọ miên trường; Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc - Tết về cây đức trổ thêm hoa; Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc - Đời vui, sức khỏe, tết an khang…
Tuy nhiên, điều tối kỵ trong khai bút đầu năm là viết sai chính tả, viết không hết câu, rõ nghĩa… Vì vậy, hãy chuẩn bị sẵn nội dung bạn muốn viết, không nên vừa viết vừa nghĩ để tránh nhầm lẫn. Đối với những câu đối, lời chúc, cần mang tính chính xác cao. Hạn chế việc tẩy xóa để quá trình khai bút được liền mạch, trơn tru. Việc khai bút xuất phát từ cái tâm của mỗi người, viết lên điều bạn mong muốn một cách cẩn thận, chỉn chu là được.
Gắn với tục khai bút, người Việt còn có tục xin chữ đầu năm. Đây cũng là một cách thể hiện việc coi trọng chữ nghĩa và cầu mong mọi sự tốt lành - một trong những phong tục, nét đẹp văn hóa đặc sắc của người con Việt.