"Giáo viên cần trung thực, không nhờ làm hộ. Thầy cô không có thế mạnh tiếng Anh mà khảo sát điểm lại cao thì kỳ lắm", bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TPHCM, nói với giáo viên.
Kế hoạch gấp gáp, vội vàng?
Cô T.P., giáo viên tiểu học ở TPHCM, cho biết cô và nhiều đồng nghiệp cảm thấy hoang mang khi phải kiểm tra khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TPHCM.
Nữ giáo viên cho rằng, kế hoạch khảo sát này quá vội vàng, lại diễn ra vào lúc cao điểm ôn tập kiểm tra học kỳ 2.
Không trực tiếp sử dụng tiếng Anh trong việc dạy học hàng ngày, cô P. thừa nhận bản thân bị áp lực trước kế hoạch kiểm tra này. Đặc biệt, cô lo lắng đến việc sau đánh giá, nếu kết quả chưa đạt, liệu giáo viên có phải sắp xếp thời gian và cả chi phí để theo học các lớp bồi dưỡng?
"Vừa rồi, chúng tôi tham gia khảo sát kiến thức kỹ năng số với 50 câu, thời gian làm bài 60 phút. Giáo viên thi rớt phải đóng tiền để học lại, thi lại… Có đợt giáo viên còn phải đóng tiền triệu để học bằng B tiếng Anh", cô P. trải lòng.
Không căng thẳng với việc khảo sát tiếng Anh nhưng thầy T.T., một giáo viên bậc THPT cho hay, việc khảo sát cần có kế hoạch, lộ trình rõ ràng với từng nhóm đối tượng như: Giáo viên đã có các chứng chỉ quốc tế, giáo viên tiếng Anh, giáo viên không dạy các môn tiếng Anh.
Thầy T. đặt ra tình huống giáo viên có thể nhờ người làm bài khảo sát giúp. Như vậy, việc khảo sát liệu có kiểm tra được đúng người, có đánh giá được đúng năng lực của giáo viên theo mục tiêu của kế hoạch hay không?
"Rồi nhiều giáo viên đã có chứng chỉ theo khung ngoại ngữ của Bộ, chứng chỉ quốc tế, không lẽ cũng phải mất công làm bài khảo sát? ", thầy T. bày tỏ lo ngại việc khảo sát có thể mang tính hình thức.
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, quận 4, TPHCM chia sẻ, trước kế hoạch khảo sát tiếng Anh này, có nhiều giáo viên lo lắng không làm được bài, nhất là với giáo viên lớn tuổi thì càng áp lực hơn.
"Tôi nói với các thầy cô của mình rằng, việc khảo sát này nhằm đánh giá thực trạng để chuẩn bị cho việc đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, không nhằm đánh giá giáo viên.
Tôi cũng nói với giáo viên của mình cần trung thực, không nhờ người làm hộ. Thầy cô nào không có thế mạnh tiếng Anh mà khảo sát đợt này điểm lại cao thì kỳ lắm…", bà Hà nói.
Nhìn nhận góc độ chuyên môn, quản lý một trường THCS ở TPHCM nêu ra băn khoăn rằng bài khảo sát dựa trên các tiêu chí nào? Xây dựng trên chuẩn năng lực ngoại ngữ nào? Bài khảo sát do đơn vị nào thực hiện đánh giá để đảm bảo uy tín?
Theo ông, việc khảo sát năng lực tiếng Anh đối với giáo viên không thể vội vàng, cần có lộ trình phù hợp, được thực hiện bởi các đơn vị độc lập có uy tín, có chuẩn đánh giá rõ ràng và có lộ trình nâng cao trình độ cho giáo viên.
Khảo sát không phải để kiểm tra trình độ cá nhân
Được biết, đây là đợt khảo sát năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế của giáo viên TPHCM với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Khoảng 47.000 giáo viên của TPHCM sẽ khảo sát năng lực tiếng Anh theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TPHCM.
Ngày 15/4, ngay sau khi kế hoạch tổ chức khảo sát được ban hành đã khiến nhiều giáo viên hoang mang. Ngay sau đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM đã thông tin cụ thể về vấn đề này.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho hay mục đích cốt lõi của việc khảo sát này là đánh giá thực trạng, không phải kiểm tra trình độ cá nhân.
Kỳ khảo sát này được thực hiện nhằm đánh giá một cách tổng thể bức tranh chung về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên toàn ngành. Kết quả khảo sát là dữ liệu đầu vào quan trọng và cần thiết để thành phố và Sở GD&ĐT có góc nhìn thực tế, khoa học về hiện trạng.
Ông Minh cho hay, dữ liệu thu thập được sẽ là cơ sở để xây dựng Đề án "Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học", một mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế.
Từ kết quả tổng thể, Sở GD&ĐT sẽ tính toán, xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng, hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ một cách phù hợp, hiệu quả và khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Ông Hồ Tấn Minh cũng cho hay, kết quả khảo sát tuyệt đối không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác như đánh giá thi đua, xét lương, kỷ luật hay các mục đích cá nhân khác.
Kết quả khảo sát của từng cá nhân sẽ được bảo mật. Chỉ cá nhân giáo viên và bộ phận chuyên trách được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích dữ liệu để phục vụ xây dựng kế hoạch chung mới được tiếp cận kết quả này.
Bắt đầu từ 23/4 đến 29/4, việc khảo sát sẽ được tổ chức theo ca với từng địa bàn quận, huyện, bằng hình thức trực tuyến.