“Trời chưa ló dạng là em và các bạn đã phải thức để kịp giờ đò chạy. Nhà em gần bến còn đỡ, chứ nhiều bạn nhà ở sâu trong khu nông trường có khi phải thức từ 3 giờ rưỡi, tay cầm lồng cơm, vai mang cặp chạy vội cả đoạn đường dài”, Xuyến kể.
Tròng trành trong khoang đò chật hẹp, nồng nặc mùi dầu, vượt sóng suốt 45 phút đã phần nào mài mòn ý chí tìm chữ của những đứa trẻ Thiềng Liềng. “Em bị say sóng nên mỗi lần nhìn chiếc đò là em sợ.
Nhằm khi sóng lớn, tới được Thạnh An thì người em cũng lả đi, ngồi trong lớp nhưng chữ chẳng vào đầu”, Xuyến thành thật nói. Chưa kể những ngày mưa bão, đò không chạy, các em ở Thiềng Liềng cũng “bất đắc dĩ” phải nghỉ ở nhà. Càng vất vả, chuyện học càng dễ “đứt đoạn” nên lên lớp lớn, số học sinh cũng “rơi rụng” dần.
Trước năm 2017, với người dân ở ấp đảo Thiềng Liềng, điện và nước sạch là những thứ xa xỉ. Những tấm pin năng lượng mặt trời được Nhà nước cấp vào năm 2011 chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân. Vì thế mà những đứa trẻ nơi đây đã quen với việc lần mò tìm con chữ trong ánh đèn dầu leo lét.
Cũng là thời gian trước đây, khi chưa có đường bê tông, các em học sinh phải đi bộ trên con đường đất đỏ trải đá. Trời nắng, bụi bay mịt mù. Mưa xuống, đường trơn như bôi mỡ. Bùn đất níu chặt chân bọn trẻ, bộ đồng phục trắng cũng khó mà tinh tươm.
Là giáo viên trẻ tình nguyện ra đảo “đưa đò”, cô Trần Thị Hà My (giáo viên Lịch sử, Trường THCS - THPT Thạnh An) không đếm hết số lần phải đến từng nhà học sinh, động viên các em đi học lại.
“Không giống trẻ ở thành phố, ngoài giờ học, các em ở Thiềng Liềng còn phải phụ gia đình mò hàu, đi cào, đi lưới rồi ra ruộng hốt muối nên da đứa nào đứa đấy đen nhẻm. Nhiều em nhìn nhỏ con lắm, tưởng lớp 2, lớp 3 nhưng thật ra toàn học trung học cả”, cô kể.
“Động viên các em thôi là chưa đủ, còn phải khuyên nhủ gia đình. Vì phụ huynh lo đi biển, rồi làm muối nên không để ý nhiều đến chuyện học của con. Một số người vẫn còn giữ tư tưởng cho con biết chữ thôi là đủ chứ không cần học nhiều”, cô My kể. Cô giáo trẻ vẫn nhớ như in ấn tượng đầu tiên khi nhìn các học trò nhỏ ở Thiềng Liềng.
Vào mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, số lượng thí sinh ở ấp đảo Thiềng Liềng dự thi chỉ đủ số ngón trên một bàn tay. Năm nay cũng không ngoại lệ, ngoài Xuyến, Thiềng Liềng có thêm Nguyễn Trần Thiện Nhân, Phạm Ngọc Huy, Nguyễn Thị Thùy Nguyên và Nguyễn Thị Mỹ Duyên.
Khác với những thí sinh đi thi trong điều kiện thuận lợi, học sinh ở ấp đảo cứ đến mùa thi lại khệ nệ khiêng vác hành trang để vượt biển vào đất liền. Bên trong không chỉ có sách vở, bút gôm, giấy tờ, mà còn có cả quần áo, chăn màn và đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Các em từ Thiềng Liềng sang trung tâm Thạnh An sớm hơn một ngày để kịp hôm sau cùng đoàn học sinh Trường THCS - THPT Thạnh An di chuyển vào đất liền.
Ngồi trên con đò lắc lư theo nhịp sóng biển, tiếng nói cười rôm rả lúc ban đầu cũng vơi dần. Vừa có học lực tốt, vừa là lớp trưởng, Phạm Ngọc Huy được gia đình, thầy cô đặt nhiều kỳ vọng ở đợt thi tốt nghiệp này. Ngoài chuyện thi cử, Huy không khỏi ngẫm nghĩ về chặng đường tương lai.
Học sinh ấp đảo tranh thủ ôn bài khi ngồi trên đò, di chuyển sang trung tâm xã Thạnh An. Ảnh: Bùi Vân |
Em tâm sự: “Hồi đi thi lớp 10 em cũng di chuyển vào nội thành như vậy. Nhưng lần này em thấy hồi hộp quá. Đi thi thì ai cũng mong mình đỗ đạt mà tự dưng nghĩ tới cảnh lên thành phố đi học, phải xa cha mẹ mấy tháng trời làm em thấy buồn, tủi thân”.
Sau khi đoàn cập bến đò Cần Thạnh, thầy và trò phải mất cả tiếng đi xe băng qua đường Rừng Sác mới đến Trường THCS Bình Khánh (huyện Cần Giờ) - nơi lưu trú của các em trong suốt những ngày thi tốt nghiệp. Bàn ghế được chồng lại, xếp gọn vào một góc.
Các phòng học được “trưng dụng” thành ký túc xá, nam 1 phòng, nữ 2 phòng. Bơ phờ sau một chặng đường di chuyển giữa cái nóng oi bức của Cần Giờ, ngay khi đến nơi, các em nhanh chóng ngả lưng ở những tấm đệm mỏng được trải trên nền đất.
Trên đò, các em tranh thủ ăn trước khi vào lớp học. Ảnh: Bùi Vân |
Đến chập choạng tối, sau khi lấp đầy chiếc bụng đói, mỗi em lại lựa một góc để ôn bài. Khi được hỏi về môn thi sợ nhất, các em đồng thanh đáp: “Tiếng Anh”. Một bạn nhanh nhảu giải thích: “Học sinh ở xã đảo không có điều kiện học tiếng Anh như các bạn ở thành phố. Vì thiếu giáo viên nên tụi em đã mất gốc từ hồi THCS. Khi lên bậc THPT thì giáo viên đổi người liên tục nên tụi em cũng khó tiếp thu”.
Tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh ở xã đảo đã tồn tại từ nhiều năm nay. Cho đến hiện tại, Trường THCS - THPT Thạnh An mới chỉ có 2 giáo viên. Trong đó, một thầy giáo là biên chế, còn lại là một cô giáo thỉnh giảng.
Đi thi không có cha mẹ bên cạnh, các em cũng tự ý thức nhắc nhở nhau tranh thủ học rồi ngủ sớm. Xuyến thì thầm kể: “Em đọc trên báo hay thấy mấy bạn đi thi có phụ huynh đứng ở ngoài chờ. Nghĩ thì cũng thích thật, nhưng mình đi thi tự túc vậy mới thấy bản thân trưởng thành thêm đôi chút. Coi như làm quen trước để sau này ở thành phố đỡ bỡ ngỡ”.
Không chỉ Xuyến mà bao thế hệ học sinh ở Thiềng Liềng đều nghĩ về cánh cửa đại học như một cơ hội để thoát nghèo, thoát khổ. Sự vất vả, thiệt thòi đã khiến không ít trẻ nơi ấp đảo phải dừng bước học hành, nhưng đó cũng là động lực để Xuyến và những bạn đồng trang lứa kiên trì với giấc mơ vào giảng đường.
Thương mấy đứa trẻ Thiềng Liềng đi học thiếu thốn, năm 2022, ông Nguyễn Văn Yến, Trưởng ấp Thiềng Liềng kêu gọi mạnh thường quân xây dựng bếp cơm ở Đồn Biên phòng Thạnh An. “Đa số trẻ ở Thiềng Liềng đều phải đi đò 2 chuyến/ngày để đến trường. Nhà em nào có người quen ở xã mới gửi gắm được. Đặt bếp cơm ở đó, buổi trưa mấy đứa nhỏ học xong thì ra đó ăn, đỡ phải dậy sớm chuẩn bị lồng cơm. Bụng phải no thì chữ mới vào đầu được”, ông Yến giải thích.