Tạo ra môi trường an toàn, hỗ trợ thông qua thúc đẩy báo cáo và xử lý nhanh chóng các trường hợp nghi ngờ về bạo hành và lạm dụng trẻ em. Tăng cường kiểm soát và giám sát trong hoạt động xã hội mà trẻ em tham gia, bao gồm giáo dục, thể thao, và các hoạt động nghệ thuật. Các biện pháp này cần sự phối hợp chặt chẽ từ phía cộng đồng, tổ chức xã hội và chính quyền để đảm bảo an toàn và bảo vệ tốt nhất cho trẻ.
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội: Hiểu luật để chuyển biến nhận thức, hành vi
Hành vi ngăn cản trẻ em tới trường, lôi kéo, thao túng tâm lý ép buộc bỏ học, nghỉ học là vi phạm pháp luật theo điều Điều 30 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định cấm cản trở quyền học tập của trẻ em có thể phải nộp phạt từ 1 đến 3 triệu đồng.
Nếu những hành vi này đến từ phụ huynh, sử dụng chúng như công cụ tạo áp lực lên chính quyền địa phương thì cần thêm sự nhìn nhận về khía cạnh phổ biến pháp luật của xã hội; đặc biệt là việc phổ biến Luật Trẻ em, Luật Giáo dục đến các phụ huynh.
Mặc dù theo kết quả khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2022, có 91,7% người dân biết đến Luật Trẻ em; nhưng có lẽ bộ phận hiểu được luật, từ nhận thức chuyển biến thái độ và dẫn đến hành vi phù hợp có thể chưa cao như con số khảo sát. Ngoài ra, cũng có sự khác biệt giữa vùng miền, nông thôn, thành thị, các nhóm nghề nghiệp của cha mẹ.
Những giải pháp cho vấn đề này là cần tiếp tục. Trong đó có tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quyền được đi học của trẻ em; tăng cường đầu tư cho giáo dục, đặc biệt giáo dục vùng sâu, xa, khó khăn. Cũng cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi xâm hại, bóc lột trẻ em, các hình thức bạo lực và ngăn chặn trẻ đến trường.
Với chủ trương, chính sách sáp nhập, di chuyển điểm trường, nhà trường có thể truyền thông trước để giúp phụ huynh hiểu rõ và đồng thuận ủng hộ.
Công việc cụ thể có thể tham khảo thực hiện là: Tổ chức họp phụ huynh toàn trường để thông báo kế hoạch sáp nhập, di dời điểm trường. Tại buổi họp, nhà trường cần cung cấp đầy đủ thông tin về mục đích, lợi ích, tác động, lắng nghe ý kiến, góp ý của phụ huynh về việc sáp nhập, di dời điểm trường.
Đồng thời, tuyên truyền trên loa phát thanh, mạng xã hội với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu về kế hoạch sáp nhập, di dời điểm trường đến từng gia đình. Tờ rơi, thông báo cần trình bày rõ ràng, có thông tin chính như mục đích, lợi ích, tác động việc sáp nhập, di dời điểm trường; thời gian, địa điểm thực hiện;...
Cũng có thể tổ chức các buổi ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề về Luật Trẻ em. Từ đó giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về quyền, bổn phận trẻ em, trách nhiệm gia đình, nhà trường và xã hội đối với trẻ em.
NGƯT Tô Ngọc Sơn - giảng viên Trường ĐH Đồng Tháp: Rõ vai trò của chính quyền địa phương
Tôi từng là giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (Cao Lãnh, Đồng Tháp); chuyên viên của phòng, Sở GD&ĐT Đồng Tháp; công tác tại một cơ sở giáo dục ĐH ở nước bạn Lào và hiện công tác tại Trường ĐH Đồng Tháp.
Từ trải nghiệm thực tiễn, tôi thấy trước đây quê tôi (An Giang, Đồng Tháp), nhiều phụ huynh lấy chuyện học hành của trẻ để đòi hưởng quyền lợi, chính sách,… chẳng hạn cấp hộ nghèo, trợ cấp khó khăn,… Nếu chính quyền địa phương không thực hiện, giải quyết thì cho con nghỉ học, đi làm thuê, bán vé số… Tuy nhiên, vấn đề này hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất hiếm gặp, thậm chí không còn.
Việc học bị mang ra làm công cụ đấu tranh của một bộ phận phụ huynh đã gây hậu quả trực tiếp đến trẻ em như: Hổng kiến thức không theo kịp bạn bè; ức chế tâm lý. Có em tự ti, mặc cảm không muốn đến trường học. Nhiều em bỏ học đi làm lao động phổ thông, chân tay nơi xứ xa,... Kết quả cuối cùng gia đình li tán, túng thiếu hoàn túng thiếu. Trong khi nhiều gia đình vượt khó, lo cho con học hành đến nơi đến chốn sau đó đi làm, trở thành công/viên chức, cuộc sống khấm khá.
Hiện trạng này còn xảy ra và tiếp diễn, tôi thiết nghĩ nguyên nhân quan trọng do ý thức người dân kém: Chưa thấy được giá trị của tri thức; không hiểu thấu lợi ích của việc học tập; chưa nhận thấy quyền lợi chính đáng của lao động chân tay và trí óc,… Phần lớn những phụ huynh này chỉ nhìn thấy và mong quyền lợi trước mắt từ địa phương mà không thấy được giá trị lâu dài, bền vững của việc học tập.
Giải pháp cho việc này, tôi cho rằng, về phía chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa các lực lượng xã hội như: Hội Bảo trợ xã hội, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Các tổ chức xã hội cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nghĩa vụ và quyền lợi của con em trong độ tuổi đi học; giá trị của người có học vấn. Thu hút, kết nạp các gia đình vào tổ chức trên và thường xuyên tổ chức hoạt động để họ tham gia.
Địa phương cũng cần có những ưu đãi tình thế để trấn an tâm lý từ đó có phương án xây dựng ý thức học tập lâu dài. Chẳng hạn gia đình khó khăn phải lo con cái đi học nên được tặng quà vào dịp lễ, Tết,… hay được xếp hộ nghèo, hộ khó khăn, được tuyên dương khen ngợi trong các kỳ họp,…
Cần tập trung khuyến khích, tặng thưởng thành tích học tập tiến bộ của học sinh để đánh vào ý thức, giá trị việc học. Khuyến khích hoặc tài trợ các em học tập cao hơn: Học nghề, cao đẳng, đại học,… Đặc biệt quan tâm đến con em học cao, tốt nghiệp nghề, cao đẳng, đại học… giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống.
Chính quyền địa phương cần tìm đối tác kinh tế tạo công ăn việc làm cho những hộ gia đình có con em đi học này tránh để họ nhàn rỗi, thiếu thốn,… Chắc hẳn con em sẽ được gia đình, cha mẹ quan tâm động viên việc học tập nhiều hơn.
“Tôi nghĩ, hiện trạng thiếu ý thức của gia đình, cha mẹ để ảnh hưởng việc học tập của con cần phải được chính quyền địa phương quan tâm sâu sắc. Bên cạnh hỗ trợ vật chất, ưu đãi các chính sách, tạo công ăn việc làm như trên, cần tăng cường nâng cao ý thức học tập cho người dân, giúp họ thấy rõ quyền và lợi ích chính đáng khi trình độ học vấn được nâng cao”, NGƯT Tô Ngọc Sơn nhấn mạnh.