Gia tài của ngoại 'tấn công' phòng vé Việt, nhanh chóng trở thành bộ phim nước ngoài được chú ý nhiều nhất trong mùa Hè này.
Phim kể câu chuyện về tình bà cháu đặt trong hoàn cảnh éo le. Biết bà mắc bệnh hiểm nghèo, chàng trai trẻ tên M vốn đang gặp khó khăn trong phát triển sự nghiệp quyết định trở về chăm sóc bà, mục đích là để giành được quyền thừa kế gia sản. Nhưng thời gian ở bên bà, những tình cảm bà dành cho anh đã cảm hóa anh, giúp anh thấu hiểu ý nghĩa thiêng liêng của từ ruột thịt.
“Gia tài của ngoại” thuộc dòng phim gia đình, với cốt truyện giản dị có phần quen thuộc, kinh phí dành cho phim cũng không cao. Thành công của phim bởi đã chạm tới cảm xúc đời thường trong mỗi chúng ta.
Trước phim này không lâu, “Lật mặt 7: Một điều ước” của đạo diễn Lý Hải cũng gây sốt phòng vé Việt, lọt vào top 2 phim Việt ăn khách nhất tính đến thời điểm này.
Hình ảnh người mẹ lam lũ, vất vả cả đời để nuôi nấng, chăm lo cho những đứa con trưởng thành là một hình ảnh vô cùng quen thuộc trong tình cảm, chiều sâu văn hóa Việt. Hình ảnh ấy có khả năng làm thức tỉnh, thay đổi suy nghĩ của không ít người vốn đang sống vô tâm, ích kỷ.
Mở rộng ra, đề tài gia đình luôn được các nền điện ảnh từ Âu đến Á quan tâm khai thác. Kể cả những bộ phim với chủ đề về lịch sử, chiến tranh thì vẫn có hạt nhân của gia đình.
Bộ phim “Cuốn theo chiều gió” phản ánh một giai đoạn nội chiến trong lịch sử nước Mỹ, nhân vật nữ chính Scarlett luôn làm mọi việc với định hướng duy nhất: Vì gia đình.
Hay loạt phim “Bố già” (The Godfather) nổi đình đám từ nửa thế kỷ trước, dù bối cảnh truyện phim gắn với các phe phái, băng đảng Mafia thì căn cốt của nó vẫn là gia đình. Hành động đúng đắn hay sai lầm của nhân vật chính đều xuất phát từ những lý do bảo vệ gia đình.
Điện ảnh Việt thời gian qua, những bộ phim có doanh thu tốt, tạo được ấn tượng và cảm xúc nơi khán giả cũng là những phim gia đình, mà tiêu biểu là loạt phim của Trấn Thành: “Bố già”, “Nhà bà Nữ”, “Mai”.
Qua thời gian, những biểu hiện cảm xúc, những phương tiện vật chất đi cùng thói quen sinh hoạt của loài người có thể khác đi, nhưng về căn cốt nguyên thủy thì con người luôn có nhu cầu được yêu thương, được che chở, chăm sóc, được sống chân thật nhất giữa những người mình tin tưởng gắn bó.
Điện ảnh là nghệ thuật. Câu chuyện được kể trong điện ảnh thường có tính hư cấu. Nhưng khi những hư cấu giàu tính hiện thực, tự nó sẽ trở thành một phần của hiện thực, góp phần thay đổi hiện thực. Đó cũng là giá trị mà điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung luôn hướng tới.