Từ trước đến nay, xã hội luôn đặt ra các quy chuẩn khác nhau dành cho con trai và con gái. Từ sở thích, cách ứng xử cho đến cách xử lý các cảm xúc.
Nhiều bố mẹ nuôi dạy con trai nghiêm khắc với mong muốn chúng có thể trở nên ngoan ngoãn, tài giỏi, và thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại đang quá nghiêm khắc và kỳ vọng con cái quá mức khiến chúng cảm thấy gò bó, ngột ngạt, đặc biệt là áp lực khi phải lớn lên.
Thực tế, bé trai hay bé gái đều có những nỗi buồn, nỗi sợ giống nhau. Ảnh minh họa
Dưới đây là những sai lầm mà các bố mẹ hay mắc phải nhất khi dạy con trai:
1. Nuông chiều con trai thái quá
Ngược lại với sự nghiêm khắc, nhiều cha mẹ lại thiên vị, nuông chiều con trai một cách thái quá. Đặc biệt những trẻ lớn lên trong gia đình giàu có, con được bố mẹ chu cấp không thiếu thứ gì. Điều này khiến bé trai trở nên phụ thuộc. Con không thể tự lập. Không những thế trẻ còn nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ và yêu cầu mọi người phải đáp ứng mọi nhu cầu của chúng.
Tương lai không ai biết trước điều gì, cha mẹ không thể lúc nào cũng bên con trai. Vì thế phụ huynh cần dạy cho trẻ sự tự lập. Đừng nuông chiều chúng quá mức.
2. Đánh trả lại ngay khi mới bắt đầu có xung đột
Tiến sĩ Kevin cho biết các bố mẹ vẫn chưa dạy con cách giải quyết mâu thuẫn bằng lời nói. Trong một số tình huống, bạo lực là lối thoát duy nhất nhưng bố mẹ cần dạy con thể hiện thái độ bằng lời nói, và từ chối việc đánh nhau.
Điều này không có nghĩa là con sợ họ, mà chỉ đơn giản là con không thích đánh nhau. Và nếu không thể tránh khỏi cuộc gay hấn, con cũng không nên là người bắt đầu.
3. Muốn con cứng rắn về mặt cảm xúc
Nhiều phụ huynh luôn sẵn lòng an ủi, vỗ về con gái khi buồn, nhưng lại cố rèn luyện cho con trai bản tính kiên cường, không bộc lộ hoặc dồn nén cảm xúc ủy mị trong lòng.
Thực tế con trai và con gái đều có những lúc yếu mềm, nhạy cảm và sẽ không tốt cho cả hai giới nếu giữ cảm xúc tiêu cực trong lòng.
Thay vì muốn con trai luôn cứng rắn, bạn hãy dạy con các từ chỉ cảm xúc như vui vẻ, buồn bã, sợ hãi, lo lắng, tự hào, bất an, dũng cảm và thực hành đặt tên cho cảm xúc đang trải qua.
Bằng cách đó, có thể các em sẽ không thể hiện cảm xúc qua hành động, nhưng biết cách chia sẻ, miêu tả trạng thái tinh thần của mình. Từ đó, con trai sẽ thoải mái hơn khi nói về cảm xúc, giải tỏa tâm trạng tiêu cực hoặc chia sẻ niềm vui với mọi người xung quanh.
4. Kiểm soát con
Vì hi vọng con trai lớn lên có thể thành đạt, giỏi giang, nhiều cha mẹ kiểm soát con quá mức. Giả dụ như ép trẻ phải học theo thời gian biểu ngặt nghèo cha mẹ đưa ra. Con không có thời gian làm điều mình thích.
Một số cha mẹ khác thì tự quyết định thay con, không hỏi ý kiến con cái về bất kỳ điều gì. Chẳng hạn như trẻ thích học hát, nhưng bố mẹ lại ép con đọc sách kinh tế...
Nếu cha mẹ cứ thích kiểm soát con cái theo ý mình, không quan tâm đến ý kiến và cảm xúc của con, trẻ dần sẽ không bộc lộ ý kiến của mình, cảm thấy phản kháng cũng vô ích. Hoặc ngược lại, có thể đẩy con đến những hành động tiêu cực như "tự giải thoát cho bản thân".
Mặc dù áp lực phù hợp có thể giúp trẻ trưởng thành tốt hơn nhưng nếu tạo áp lực quá lớn sẽ khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt. Vì vậy cha mẹ đừng nên kiểm soát con quá mức.
Nếu cha mẹ cứ thích kiểm soát con cái theo ý mình, không quan tâm đến ý kiến và cảm xúc của con, trẻ dần sẽ không bộc lộ ý kiến của mình, cảm thấy phản kháng cũng vô ích. Ảnh minh họa
5. Gặp ai cũng nhận là con dâu
Các bà mẹ thường đem chuyện "làm sui" ra để kết đôi con trai mình với một bé gái khác. Thật ra, đây chỉ là một câu chuyện đùa của người lớn. Nhưng đối với trẻ, con không đánh giá cao sự hài hước này.
Và nếu các bố mẹ cứ tiếp tục như thế, con có thể sẽ sinh ra tâm lý cảnh giác với phái nữ khi lớn lên. Thậm chí, khó có thể kết bạn với một cô gái.
6. Ép con phải chơi tốt các môn thể thao
Không thể phủ nhận thể thao là một trong những hoạt động thể chất bổ ích giúp trẻ khỏe mạnh và năng động. Vì thế việc khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể thao tập thể là điều mà cha mẹ nên làm. Tuy nhiên không nhất thiết là con bạn phải luôn là người giỏi nhất.
Mỗi đứa trẻ có một khả năng khác nhau, bạn không thể ép một đứa trẻ đam mê ca hát chơi giỏi bóng đá và ngược lại một đứa trẻ thích làm vườn sẽ chẳng mấy hứng thú với môn bóng ném cả… nên thay vì ép con phải chơi tốt môn thể thao ngoài khả năng của chúng hãy giúp con làm những điều chúng muốn. Thể thao không phải là yếu tố để đánh giá bản lĩnh cũng như sự mạnh mẽ của một người đàn ông.