Một nghiên cứu của Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro (Đại học RMIT Việt Nam) chỉ ra rằng, với tốc độ tăng trưởng khách trong nước và quốc tế, mỗi năm Việt Nam cần từ 12.000 - 15.000 lao động du lịch có trình độ cao, trong khi lượng sinh viên du lịch tốt nghiệp hàng năm chỉ khoảng 4.000 người, tức là khoảng 1/3 nhu cầu của ngành.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro đặt vấn đề: Làm thế nào nếu chúng ta thiếu gần 10.000 lao động du lịch đủ trình độ mỗi năm? Như thế có nghĩa, nhiều nơi người lao động không được đào tạo về du lịch mà là các ngành khác chuyển sang. Theo Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, hiện tại phải đầu tư ngay cho đào tạo du lịch, vì sự đầu tư này sẽ không có tác dụng ngay lập tức mà cần từ 10 đến 15 năm.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch phân tích: Sau dịch Covid-19, tuyển dụng nhân lực làm việc trong các khách sạn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để duy trì phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành Du lịch khách sạn cần có chính sách đãi ngộ tốt; đào tạo kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số; chủ động kết nối với các cơ sở đào tạo nhân lực ngành du lịch; nâng cao năng lực quản trị, đáp ứng nhu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ lưu trú, phát triển các dịch vụ mới trong hoạt động lưu trú; chủ động kết nối tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các hệ thống đào tạo quốc tế...
Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Với mục tiêu này, các chuyên gia đánh giá, ngành Du lịch cần nâng tầm chất lượng hình ảnh cho khách hàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vấn đề cần cải thiện nhất chính là đào tạo nguồn nhân lực. Qua nhiều môi trường rèn luyện như tại các trường đào tạo ngành nghề đặc thù sẽ cho nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch mới còn nhiều bất cập. Cụ thể, tại các trường đại học, chương trình đào tạo dành cho sinh viên còn thiếu tính thực tế.
Vị chuyên gia này cho rằng, đây là vấn đề cần được xem xét, lưu ý và thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Qua đó, tạo ra nguồn nhân lực bài bản, tiềm năng, sẵn sàng phục vụ ngành trong tương lai.
Đưa ra một số định hướng và giải pháp để bảo đảm nguồn nhân lực phục hồi sau đại dịch, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chỉ rõ, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc; cần tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch.
Về đào tạo, ông cho rằng cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi. Việc giải quyết được vấn đề nhân lực du lịch trong bối cảnh mới sẽ góp phần vào phục hồi dần du lịch, lấp lỗ hổng cho ngành công nghiệp không khói phát triển…