Đối với Việt Nam, chúng ta đã có những bước đầu quan tâm đến khuyến nghị này, khi Bộ KH&CN đã tổ chức hội thảo "Khoa học mở - Khuyến nghị của UNESCO: Cơ hội và thách thức với Việt Nam" vào ngày 20/10/2021. Đây là khái niệm mới và sẽ cần nhiều thời gian để cộng đồng khoa học nói riêng và xã hội nói chung hiểu hơn về các xu thế trên thế giới và tìm ra các quy chế hợp lý cho chúng ta.
Hội thảo "Khoa học mở dưới các góc nhìn" với nội dung chính là các bài giảng đại chúng về các chủ đề liên quan đến khoa học mở. Trong đó, bài giảng "Dữ liệu khoa học mở" do GS.TSKH. Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu cao cấp về toán) trình bày, đã nêu bật tầm quan trọng và lợi ích của hệ thống dữ liệu mở trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong thời đại khoa học công nghệ phát triển và thay đổi từng ngày như hiện nay. GS. Hồ Tú Bảo cho rằng, một nền khoa học mở đem lại lợi ích hài hòa cho các ngành, bảo đảm sự liêm chính, công bằng, bình đẳng trong chia sẻ dữ liệu, tri thức.
Bài giảng thứ hai có tiêu đề "Hướng nghiên cứu khoa học hội tụ và vai trò của vật lý trong sinh học tiến hóa" do GS.TS. Nguyễn Thế Toàn (Trưởng Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG) trình bày, đã đề cập đến một vấn đề đang rất mới hiện nay, là một trong những động lực để khoa học mở phát triển, đó là các nghiên cứu liên ngành, đa ngành. GS. Nguyễn Thế Toàn ủng hộ một nền khoa học mở trong đó các kiến thức, kỹ thuật mạnh nhất của các ngành khác nhau cùng kết hợp, hội tụ với nhau để tìm ra lời giải cho các bài toán phức tạp nhất của tự nhiên.
"Khoa học mở: Góc nhìn lịch sử, khuyến nghị của UNESCO, liên hệ với Việt Nam" là bài giảng thứ ba do chuyên gia Nguyễn Võ Hưng (Viện Chiến lược và Chính sách khoa học công nghệ, thuộc Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN) trình bày, đã chia sẻ về khái niệm, tiến trình của khoa học mở, các trường phái tư tưởng có liên quan đến khoa học mở, phân tích về khuyến nghị của UNESCO về khoa học mở và đưa ra một số liên hệ với Việt Nam.
Chia sẻ tại phần tọa đàm, TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ VINASA, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cho rằng, dữ liệu số, chuyển đổi số đóng góp một cách tích cực cho khoa học mở. Sự cạnh tranh về tài nguyên số, dữ liệu số là điều không thể tránh khỏi.
Từ góc độ những nhà hoạch định chính sách, ông Nguyễn Trọng Khánh, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết, năm 2020, Bộ TT&TT đã trình ban hành và được Chính phủ thông qua Nghị định 472020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước, trong đó có quy định về dữ liệu mở, quy định về các nguyên tắc cung cấp, sử dụng, bảo đảm thông tin cá nhân đối với các dữ liệu mở của Nhà nước.