Tại Việt Nam, trong tiến trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, cùng với kiến thức, việc trang bị kỹ năng sống, trong đó có giáo dục cảm xúc và xã hội cũng được ngành Giáo dục chú trọng, đặc biệt qua mô hình xây dựng Trường học thân thiện - học sinh tích cực, Trường học hạnh phúc. Tuy vậy giáo dục cảm xúc và xã hội vẫn chưa trở thành một chương trình rõ nét trong đa số trường phổ thông.
Nhận thức về giáo dục cảm xúc xã hội cho học sinh cũng chưa được nhiều giáo viên quan tâm, hoặc không có điều kiện quan tâm, vì nhiều lý do khác nhau. Khảo sát về Phát triển năng lực cảm xúc - xã hội cho học sinh của nhóm nghiên cứu Trần Thị Tú Anh (Trường ĐHSP Huế) cho biết giáo viên không thực sự thấy cần thiết phải phát triển các năng lực thành phần của năng lực cảm xúc – xã hội. Thầy cô ở hai trường học mà nhóm điều tra hầu hết đều cho rằng họ không phát triển năng lực này cho học sinh trong quá trình dạy học các môn học nói chung.
“Học để cùng chung sống” là một trong các mục tiêu giáo dục ở thế kỷ 21 mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa ra. Và để có thể chung sống tốt, học sinh cần được phát triển năng lực cảm xúc - xã hội tốt. Muốn vậy, song song với việc tạo môi trường học tập an toàn, yêu thương, quản lý tốt và thu hút sự tham gia của người học, rất cần nâng cao sự hiểu biết của giáo viên qua các chương trình bồi dưỡng về năng lực cảm xúc –xã hội, các thành tố của năng lực và cách thức hình thành, phát triển năng lực này cho học sinh.
Thế nhưng, cũng không phải đơn giản chỉ qua vài ba bài giảng là có thể giáo dục được năng lực cảm xúc xã hội cho trò, bởi năng lực đặc biệt này chỉ thực hiện được thông qua nhận thức mà trải nghiệm mang lại. Vì thế, cùng với bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, các trường học cần thiết đổi mới chương trình học tập, cách quản trị để có thể tích hợp giáo dục cảm xúc xã hội trong chương trình giảng dạy và văn hóa học đường, trong các chính sách, nội quy cũng như thông qua sự hợp tác liên tục với gia đình và xã hội. Với bậc phụ huynh đã đến lúc không thể coi nhẹ việc quản lý cảm xúc của mình, cách đặt kỳ vọng vào con trẻ. Học cách làm bạn với con chưa bao giờ là muộn.