Khối ngoại ồ ạt bán ròng có đáng lo?

08/12/2023, 21:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khối ngoại đang duy trì chuỗi phiên bán ròng mạnh, với giá trị cao kỷ lục từ đầu năm. Trong bối cảnh chứng khoán hồi phục tích cực, nguyên nhân nào khiến khối ngoại ồ ạt “thoát hàng”?

Luỹ kế 11 tháng năm nay, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt 12.500 tỷ đồng. Khối ngoại đang có 9 tháng bán ròng liên tiếp, và xu hướng này đặc biệt mạnh lên trong 2 tuần qua. Bảy phiên gần nhất, khối ngoại bán ròng 4.300 tỷ đồng, lớn hơn tổng giá trị bán của cả tháng 10, 11.

Tháng 11, VHM là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất, giá trị hơn 1.960 tỷ đồng. MWG, VPB, VNM, VRE, VCB, MSN, VIC, GAS hay chứng chỉ quỹ FUESSVFL cũng nằm trong tốp bị xả mạnh.

Bất chấp khối ngoại bán ròng, thị trường trong nước tiếp tục đi lên, VN-Index đã tăng gần 3% kể từ đầu tháng.

Lý giải về nguyên nhân khối ngoại bán ròng và việc có hay không ảnh hưởng tới thị trường trong nước, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VNdirect - cho PV Tiền Phong biết, hành động của khối ngoại trong những tuần gần đây không phải xu hướng quá bất ngờ. Diễn biến bán ròng đã xuất hiện từ tháng 4 và kéo dài đến nay.

Khối ngoại ồ ạt bán ròng có đáng lo? - 1

Giao dịch khối ngoại tính đến chiều 8/12, tiếp tục xu hướng bán ròng.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá trị bán ròng gia tăng rõ rệt, một phần từ hoạt động tất toán danh mục cuối năm của khối ngoại. Động thái này vẫn diễn ra hằng năm, nhà đầu tư hiện thực hoá lợi nhuận, sau đó đánh giá lại thị trường, chờ cơ hội giải ngân lại vào năm sau. Với khối ngoại, không phải nhà đầu tư nào cũng theo khuynh hướng dài hạn.

Ngoài ra, theo ông Hinh, vốn ngoại đang bị hút về những thị trường đang có diễn biến tích cực hơn Việt Nam. Dòng vốn ưu tiên chảy sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ.

Bất chấp khối ngoại bán ròng, thị trường trong nước vẫn vận động tích cực nhờ sự nâng đỡ của vốn nội. Ông Hinh nhận định, tác động từ việc bán ròng của khối ngoại không đáng kể, rủi ro đã được san sẻ nhờ sự tích cực của dòng vốn nội. Dòng tiền trong nước sôi động hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng trong nhiều tuần qua. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bơm trả cho hệ thống ngân hàng toàn bộ số tiền đã hút về qua kênh tín phiếu.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cũng cho rằng, động thái bán ròng của khối ngoại đến từ việc chốt NAV (giá trị tài sản ròng) cuối năm. Những khoản bán ra chủ yếu là đầu tư không hiệu quả. Theo ông Minh, đà bán ròng của khối ngoại không tác động nhiều đến thị trường (do tỷ lệ giao dịch của nhóm này hiện chỉ đang chiếm 8% toàn thị trường còn lại là dòng tiền cá nhân trong nước dẫn dắt).

Dưới góc nhìn của Công ty quản lý quỹ SGI (SGI Capital), điểm tiêu cực lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là việc khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng hơn 14.000 tỷ từ tháng 7 và vẫn tiếp tục bán mạnh những ngày gần đây. Điều này tạo áp lực lên chỉ số, do giá trị bán ròng chủ yếu tại các cổ phiếu vốn hoá lớn.

Tuy nhiên, dưới áp lực bán ròng của khối ngoại, thị trường xuất hiện một số cơ hội đầu tư tốt ở những cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm giá sâu. Quỹ đầu tư đánh giá lạc quan với triển vọng của thị trường chứng khoán, do đang tìm thấy nhiều hơn các cơ hội đầu tư hấp dẫn cho năm 2024.

Nền kinh tế Việt Nam đang có những điều kiện nội tại tốt để hồi phục trong năm 2024, gồm mặt bằng lãi suất thấp, tỷ giá ổn định, xuất nhập khẩu bắt đầu tăng trưởng trở lại và đầu tư công vẫn được đẩy mạnh. Triển vọng phục hồi tăng trưởng của doanh nghiệp cũng rõ ràng hơn, lãi suất đủ thấp sẽ kích thích các hoạt động kinh tế, làm tăng vòng quay tiền.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khối ngoại ồ ạt bán ròng có đáng lo?