Văn hóa

Khơi nguồn đất học xứ Nam kỳ

18/05/2025 22:19

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là biểu tượng tinh thần hiếu học, là Quốc Tử Giám của vùng Tây Nam Bộ.

Đây là điểm sáng hun đúc nên tính hiếu học và lòng nhân ái của con người vùng đất này.

Quốc Tử Giám của vùng Tây Nam Bộ

Theo tài liệu Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, năm 1732, Chúa Nguyễn thứ 7 là Ninh Vương Nguyễn Phúc Trú đã lập ở phía Nam dinh Phiên Trấn đơn vị hành chính mới là dinh Long Hồ, Châu Định Viễn, tức Vĩnh Long ngày nay.

khoi-nguon-dat-hoc-xu-nam-ky-2.jpg
Bia đá dựng trước lối vào Văn Thánh Miếu. Ảnh: L.H

“…Trời sinh ra Vua để trị dân, sinh ra Thầy để dạy dân. Có dạy thì mới có trị. Trị một thời, dạy vạn thuở. Có nuôi, có dạy, mới có người mà dùng…”.

Văn bia khắc bài ký của Tiến sĩ Phan Thanh Giản bằng chữ Hán năm 1864 tại Văn Miếu Vĩnh Long

Nhà Nguyễn thời đó rất đề cao Nho học. Vai trò của Nho giáo trong xã hội được nâng lên tới hàng Quốc giáo. Việc học tập được khuyến khích mở rộng, chế độ khoa cử rộng rãi tới tận phủ huyện. Ở vùng đất mới phương Nam cũng đã có 260 người thi đỗ cử nhân, trong đó Vĩnh Long có đến 56 vị.

Nhiều nhân tài học hành đỗ đạt đã hun đúc ý chí để người Vĩnh Long thành lập Văn Thánh Miếu nhằm chăm lo việc học. Theo bia ký của cụ Phan Thanh Giản, năm Tự Đức thứ 11 (1858), tỉnh Vĩnh Long xây dựng ngôi Văn Thánh Miếu bằng gỗ sát bờ sông Cổ Chiên thuộc thôn Tân Sơn (nay thuộc xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long) thì Pháp tấn công thành Gia Định nên phải hoãn lại.

Mãi đến năm 1864, Đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông khởi xướng xây dựng Văn Thánh Miếu đàng hoàng hơn tại thôn Long Hồ (nay là Phường 4, TP Vĩnh Long). Đây vừa là nơi các sĩ tử tập trung ôn luyện đèn sách, vừa là tụ điểm hoạt động văn hóa đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước, thắp sáng lên vùng đất này một tinh thần hiếu học bất diệt.

Đối với người dân Vĩnh Long, Văn Thánh Miếu là địa chỉ quen thuộc, đại diện cho tinh hoa của vùng đất học, vùng đất sản sinh nhân tài, đồng thời là 1 trong 3 Quốc Tử Giám đầu tiên của vùng đất phương Nam (cùng với Văn Thánh Miếu Gia Định, Văn Thánh Miếu Biên Hòa).

Với niềm sùng kính của người dân Vĩnh Long nói riêng và người dân miền Tây Nam Bộ nói chung, dù trải qua nhiều biến đổi của thời gian, của lịch sử, Văn Thánh Miếu vẫn là điểm sáng rực rỡ cho tinh thần hiếu học, lòng trung hiếu và tình yêu quê hương bất diệt của con người nơi đây.

Theo tư liệu nghiên cứu của ông Nguyễn Chiến Thắng - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, lúc ông Nguyễn Thông làm đốc học Vĩnh Long (1860 - 1864), mỗi người đi học ở Gia Định được triều đình cấp 13kg gạo/tháng. Người được cấp gạo gọi là nhiêu sinh.

Ở Vĩnh Long có nhà thơ trào phúng Nhiêu Tâm, ông tên Đỗ Minh Tâm, vốn là nhiêu sinh thời kỳ này nên dân gian gọi ông là Nhiêu Tâm. Lúc đầu có 60 người đi học, sau lên 63 người, chính quyền phải có trách nhiệm chọn ra người giỏi để đưa đi học; nếu gian dối sẽ bị kỷ luật rõ ràng.

Chính vì vậy mà người Vĩnh Long đỗ đạt nhiều. Người có phẩm hạnh, đạo đức tốt sẽ được bố trí làm việc ở Nam Định, Phú Khánh, Gia Định… Trong suốt 49 năm từ 1813 đến 1862, Nam kỳ tổ chức 22 khóa thi Hương, tuyển chọn 296 cử nhân, trong đó có 5 người ra kinh thi đỗ tiến sĩ.

Riêng Vĩnh Long có 56 người đỗ cử nhân và có 12 người làm quan triều Nguyễn. Vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ lục tỉnh chính là người Vĩnh Long - cụ Phan Thanh Giản.

Tại Văn Thánh Miếu có 3 tấm bia đá. Bia thứ nhất khắc nội dung do cụ Phan Thanh Giản viết. Mặt trước ghi lý do dựng miếu, xưng tụng công đức thánh nhân và triều đình, mặt sau ghi danh những người hữu công.

Bia thứ hai được dựng vào năm 1917, mặt trước ghi lại sự kiện ông Tống Hữu Định vận động trùng tu văn miếu vào năm 1903; mặt sau ghi danh thân hào, nhân sĩ có công. Bia đá thứ ba dựng năm 1931, ghi lời bà Trương Thị Loan hiến đất và ký thác việc thờ cúng cha ruột và cha chồng tại Văn Xương Các.

Khi Văn Thánh Miếu được xây dựng hoàn tất. Hội Văn Thánh Miếu ra đời đảm trách quản lý, thờ phượng. Triều đình Huế hướng dẫn điển lễ tế tự và cấp 20 miếu phu trông nom Văn Thánh Miếu. Nơi đây trở thành trung tâm văn hóa của khu vực miền Tây Nam kỳ.

Các sĩ phu, tao nhân mặc khách quy tụ về đây đàm đạo thơ phú, luận bàn thế sự. Hàng năm tại điện Đại Thành có các lễ cúng Xuân Đinh và Thu Đinh, tại Tụy Văn Lâu có lễ vía cụ Phan Thanh Giản vào các ngày 4 và 5 tháng Bảy âm lịch, lễ cúng vọng các trung thần liệt tử vào các ngày 12 và 13 tháng Mười âm lịch.

khoi-nguon-dat-hoc-xu-nam-ky-3.jpg
Khu thờ tự trong Văn Thánh Miếu. Ảnh: L.H

Đất học sinh nhân kiệt

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, biến đổi của thời gian nhưng đến nay, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long vẫn bảo tồn giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, mà tiêu biểu là tinh thần hiếu học, đề cao sự học của người dân Nam Bộ. Nội dung tấm bia dựng ngay giữa thần đạo, phía trước chính điện đã thể hiện rõ điều này: Lớn thay đạo đức Khổng Phu Tử. Vì trời đất lập ra “Tâm”. Vì sanh dân lập ra “Mạng”.

Vì thánh trước nối sự học đã dứt. Vì muôn đời mở ra cuộc thái bình cho nên các đời vua thờ phụng cúng tế không bao giờ bỏ hẳn. Hoàng triều ta kính thầy trọng đạo. Xét theo thời xưa bày ra cách dạy. Ban đầu ở kinh đô có lập ra một tòa đền gọi là “Đại Thành Điện” thể chế rất tôn nghiêm. Vài năm trở lại đây, kính trọng đạo học nuôi dạy nhơn tài chẳng ít.

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long tuy đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và nhiều lần trùng tu nhưng vẫn tồn tại và giữ được nét cổ kính như thuở ban đầu, đó là niềm tự hào không chỉ của người dân Vĩnh Long mà của cả miền Tây Nam Bộ.

Bởi nơi đây không chỉ đơn thuần là một thiết chế văn hóa chính thống của nhà nước phong kiến, mà còn là biểu tượng văn hóa đầy ý nghĩa. Tuy trên danh nghĩa là đề cao Nho giáo, nhưng thực chất đây là một tụ điểm hoạt động văn hóa đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước của dân tộc.

Vùng “Đất học” này đã sản sinh ra những nhân vật kiệt xuất viết nên trang sử hào hùng cho quê hương Vĩnh Long. Tiêu biểu như danh tướng Tống Phước Hiệp - Quan trấn thủ đầu tiên của đất Long Hồ, có công trong việc đánh đuổi quân Xiêm La.

Tướng Châu Văn Tiếp giúp Nguyễn Ánh chiếm thành Gia Định và được phong Bình Tây Đại đô đốc. Không chỉ có những công thần có công trong công cuộc mở mang bờ cõi, với vùng đất được mệnh danh là “đất học”, Vĩnh Long cũng đã lưu vào sách sử những tấm gương hiếu học như Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký với tài năng lỗi lạc…

Thời thống nhất và xây dựng đất nước tỉnh Vĩnh Long có nhiều nhân tài như: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngoài ra còn có nhiều nhân sĩ khác như nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, Phó Bí thư Trung ương Cục Phan Văn Đáng, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Phùng Văn Cung…

Ngày 25/3/1991, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đã được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Đây là điểm đến không thể bỏ qua của du khách và các em học sinh, để tìm hiểu về lịch sử của dân tộc.

khoi-nguon-dat-hoc-xu-nam-ky-1.png
Học sinh Vĩnh Long đến viếng và chăm sóc Văn Thánh Miếu. Ảnh: NTCC

Ghé thăm ngôi miếu mái ngói rêu phong cổ kính, ai cũng cảm nhận bầu không khí trầm mặc phủ kín không gian và có dịp tỏ lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân. Trong khuôn viên của Văn Thánh Miếu còn có tấm bia ghi lại sự kiện ngày Chi bộ đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long tổ chức biểu tình chống thực dân Pháp.

Văn Thánh Miếu ngày nay được xem là điểm đến không thể thiếu đối với các du khách mỗi khi đến Vĩnh Long. Đặc biệt là các nhà sử học và học sinh. Theo Sở GD&ĐT Vĩnh Long, nhằm giúp học sinh và sinh viên sư phạm có điều kiện tìm hiểu về những di tích lịch sử tại địa phương, giáo dục về tinh thần hiếu học của những người con đất học, các trường học thường xuyên tổ chức tham quan, chăm sóc Văn Thánh Miếu.

Hoạt động vệ sinh trong khu di tích nhằm giúp các em hiểu sâu sắc hơn về sự ra đời và phát triển của khu di tích tại địa phương, ý thức được vai trò trách nhiệm của mình trong học tập, rèn luyện để sống đẹp, sống có ích.

Tại Văn Thánh Miếu, học sinh, sinh viên được nghe thuyết minh và tìm hiểu về lịch sử hình thành, thắp hương nơi thờ Khổng Tử, Chu Văn An, Phan Thanh Giản… và các bậc tiền nhân tại Điện Đại Thành và Văn Xương Các.

Nhân các ngày lễ tại Văn Thánh Miếu, Vĩnh Long tổ chức các hoạt động nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân; bảo tồn văn hóa. Càng trân quý hơn đó là tinh thần hiếu học, ngày xưa nhiêu sinh được hỗ trợ gạo thóc cho sự học thì ngày nay Vĩnh Long cũng lập nhiều quỹ học bổng khuyến học, mỗi năm vận động hàng chục tỷ đồng.

Tiêu biểu như Quỹ học bổng Phạm Hùng và Quỹ học bổng Võ Văn Kiệt tiếp sức cho con em nhà nghèo vượt khó học giỏi. Quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa của Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long mỗi năm hỗ trợ hàng nghìn suất học bổng cho sinh viên Vĩnh Long…

Hàng năm, tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long ngày lễ lớn là Tế Khổng Tử vào ngày Xuân Đinh và Thu Đinh (nhằm ngày Đinh đầu tháng 2 và ngày Đinh cuối tháng 8 âm lịch). Tại Văn Xương Các, mỗi năm có hai lễ cúng tế: Lễ giỗ cụ Phan Thanh Giản vào ngày 4 và 5 tháng 7 âm lịch và Lễ truy điệu chung các quan quân cựu trào có công và bỏ mình vì Tổ quốc vào ngày 12 và 13 tháng 10 âm lịch.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khoi-nguon-dat-hoc-xu-nam-ky-post731395.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khoi-nguon-dat-hoc-xu-nam-ky-post731395.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khơi nguồn đất học xứ Nam kỳ