Sáng 12/7, Trường ĐH Cửu Long tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo, quản lý lưu HS Lào đang theo học tại Việt Nam năm học 2023 - 2024.
Hội nghị do Trường ĐH Cửu Long, Đại sứ quán nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tham dự hội nghị, có hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước đại diện cho hơn 50 trường đại học, học viện của 3 miền Bắc, Trung, Nam có đào tạo lưu học sinh (LHS) Lào.
Dự hội nghị, đoàn công tác CHDCND Lào có TS Phankhavong Samlane - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao; ông Khamtanh Somvong - Tham tán Giáo dục Văn hóa - Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; ông Souphanh Hadaoheuang - Tổng lãnh sự Lào tại TP Đà Nẵng; ông Phonesy Bounmixay - Tổng Lãnh sự quán Lào tại TPHCM.
Phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc; ông Nguyễn Hải Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long có bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Công an tỉnh Vĩnh Long; lãnh đạo các trường đại học có đào tạo LHS Lào.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả công tác đào tạo và quản lý LHS Lào; tổng kết công tác đào tạo và quản lý LHS Lào đang theo học tại Việt Nam năm học 2023 - 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phankhavong Samlane - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao CHDCND Lào gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng, Chính phủ Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Cửu Long, các cơ sở giáo dục có đào tạo LHS Lào tại Việt Nam đã luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho LHS Lào trong quá trình học tập tại Việt Nam, giúp Lào đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Hội nghị có sự tham dự của các bộ, ban, ngành, các trường đại học thể hiện sự quan tâm của Việt Nam đến LHS Lào, là nguồn cổ vũ, động viên cho hơn 10 nghìn LHS phấn đấu học tập. Qua đó tiếp thêm động lực, nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu, tiếp tục phát triển nguồn nhân lực cho CHDCND Lào...
Theo Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, năm học 2023 - 2024 có tổng số 10.190 LHS (nữ 4.277) đang học tập tại Việt Nam. Trong đó lĩnh vực hành chính 8,478 LHS (nữ 3.911), lĩnh vực An ninh 827 LHS (nữ 335), Quốc phòng 885 LHS (nữ 31).
Số lượng LHS theo học các bậc học gồm: nghiên cứu sinh (170 LHS, nữ 26); chuyên khoa 1 (20 LHS); Cao học (637 LHS, nữ 165); Đại học (5,433 LHS, nữ 2,072); Cao đẳng (1,478 LHS, nữ 843); Trung học (27 LHS, nữ 13); Dự bị tiếng Việt (1,342 LHS, nữ 642); Học văn hóa (531 LHS, nữ 229).
Phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, tiếp tục củng cố cách thức tổ chức làm việc của ban cán sự LHS Lào, hướng dẫn xây dựng kế hoạch hoạt động. Tăng cường giáo dục về tư tưởng chính trị, quán triệt các nghị quyết của Đảng, pháp luật của hai nước, các quy định của các Bộ, nhà trường.
Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào. Tư vấn, hướng dẫn các ngành học cho những người có nhu cầu sang Việt Nam học tập, nâng cao trình độ. Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan, các cơ sở đào tạo để đưa LHS sang Việt Nam học tập. Đẩy mạnh các phong trào hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ và các chương trình giao lưu khác...
Thay mặt lãnh đạo Trường ĐH Cửu Long, PGS.TS Lương Minh Cừ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường ĐH Cửu Long bắt đầu tiếp nhận và đào tạo LHS Lào từ năm 2015.
Đến nay trường đã đào tạo 735 LHS Lào. Trong đó Thạc sĩ (15 LHS); Đại học (81 LHS); Cao đẳng (14 LHS); Học tiếng Việt (123 LHS), đã cấp Chứng chỉ Tiếng Việt (502 LHS). Hiện tại còn 57 LHS Lào đang học tập, nghiên cứu tại trường (43 LHS học Đại học, 4 LHS học Cao học, 10 LHS học tiếng Việt).
Tại hội nghị, đại diện các cơ sở đào tạo đã phát biểu tham luận, trao đổi các ý kiến liên quan tới công tác quản lý, đào tạo LHS Lào, đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo LHS Lào.
Dịp này, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam đã trao tặng Bằng vinh danh Trường ĐH Cửu Long về thành tích đào tạo nguồn nhân lực cho nước CHDCND Lào. Đồng thời Đại sứ quán Lào tại Việt Nam đã khen thưởng cho 252 LHS Lào (trong đó có 16 LHS Lào đang học tập tại Trường ĐH Cửu Long) có thành tích tốt trong năm học 2023 - 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết Trường ĐH Cửu Long, một cơ sở giáo dục dù còn non trẻ trong công tác đào tạo LHS Lào (bắt đầu tiếp nhận LHS từ năm 2015) nhưng đã có rất nhiều kết quả tốt đẹp trong công tác đào tạo, quản lý LHS Lào, được vinh dự nhận Huân chương Lao động của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Qua báo cáo của Đại sứ quán, tham luận và ý kiến phát biểu của các cơ sở giáo dục cho thấy, năm học 2023 - 2024 đã diễn ra thuận lợi. Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tiếp tục được triển khai, trong đó tất cả các cơ sở giáo dục đều quan tâm, dành những tình cảm đặc biệt và điều kiện tốt nhất cho LHS Lào, giúp các em yên tâm học tập, rèn luyện.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những kết quả tích cực của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác đào tạo và quản lý LHS Lào.
LHS Lào đã rất nỗ lực khắc phục khó khăn, chuyên cần học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt chương trình đào tạo theo kế hoạch của các cơ sở giáo dục. Nhiều LHS đã được khen thưởng cho thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện. Số LHS tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao.
Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước Việt - Lào luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, coi trọng. Những kết quả đạt được đã góp phần thiết thực củng cố, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc và sự phát triển của hai đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý một số định hướng, giải pháp trong công tác đào tạo LHS Lào như: Trình độ tiếng Việt cho các sinh viên học chuyên ngành yêu cầu phải đạt chứng chỉ B2 theo khung năng lực 6 bậc. Các cơ sở giáo dục khi tiếp nhận LHS Lào cần kiểm tra điều kiện về năng lực tiếng Việt phù hợp.
LHS tất cả các diện (Hiệp định, ngoài Hiệp định) nếu chưa biết tiếng Việt đều phải học tiếng Việt để đạt được trình độ cơ bản trước khi sang Việt Nam học dự bị tiếng Việt. LHS Lào sang Việt Nam học tập sẽ chịu sự quản lý thống nhất của một đầu mối là Bộ Giáo dục của mỗi nước nhằm đảm bảo sự kiểm soát chất lượng cả về trình độ văn hóa cũng như tiếng Việt.
Các cơ sở giáo dục cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chú trọng công tác kiểm định, đổi mới chương trình. Trong quá trình đào tạo LHS Lào, các cơ sở đào tạo cần thực hiện đánh giá thực chất, cần nhiều hơn sự quan tâm, động viên, hỗ trợ để các LHS có sự tự tin và nỗ lực cao hơn.
Bộ GD&ĐT đã kiến nghị nâng mức chi đào tạo cho LHS Lào diện Hiệp định theo Thông tư 75/2023 ngày 28/12/2023 với mức tăng là 30% hệ dài hạn và 40% hệ ngắn hạn. Mức chi mới sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giúp LHS Lào khắc phục khó khăn, yên tâm học tập.
Mức chi này cũng là cơ sở để các địa phương, các cơ sở giáo dục có căn cứ triển khai các chương trình học bổng cho LHS Lào diện ngoài Hiệp định. Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành địa phương, quan tâm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại trong công tác quản lý, đào tạo LHS Lào...
Thứ trưởng tin tưởng rằng, với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Bộ GD&ĐT Việt Nam, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, sự nỗ lực và quan tâm của các cơ sở giáo dục Việt Nam, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho CHDCND Lào trong giai đoạn tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đạt được những kết quả tốt đẹp, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng và Chính phủ 2 nước.