Dù đã “khóa sổ” tuyển sinh, tổ chức khai giảng năm học mới 2022 - 2023, nhưng phòng tuyển sinh - Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam (TP Vinh) vẫn có nhiều phụ huynh xin đăng ký. Chị Bùi Thị Thu Hà - cán bộ tuyển sinh của trường - cho hay: “Tính riêng tuần vừa qua, có gần 10 trường hợp xin vào trường, nhưng chúng tôi phải từ chối vì danh sách tuyển sinh đã được Sở GD&ĐT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An phê duyệt”.
Năm học 2023 - 2024, Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam tuyển sinh được 495 chỉ tiêu. Đây đều là học sinh phân luồng vừa hoàn thành chương trình THCS và có nguyện vọng tiếp tục vừa học văn hóa, vừa học nghề. Bên cạnh đó, mỗi năm trường nhận đào tạo gần 600 học viên học nghề liên kết với Trung tâm GDNN - GDTX tại các huyện, thị trong tỉnh.
Nguyễn Thị Thảo Duyên (học sinh lớp 10A1) cho biết, tại trường, em tiếp tục học chương trình văn hóa để sau này thi tốt nghiệp THPT, nhưng chỉ phải học 7 môn. Song song với học văn hóa, Thảo Duyên học nghề nấu ăn và được miễn học phí. “Em nghĩ với lực học trung bình khá, lựa chọn học trường trung cấp bớt áp lực hơn, sau này vừa có bằng văn hóa và bằng trung cấp nghề”, Thảo Duyên chia sẻ.
5 năm gần đây, việc tuyển sinh của Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam vượt qua khó khăn và khởi sắc hơn. Theo ông Phan Xuân Dũng – Hiệu trưởng, cách làm của nhà trường là đặt chất lượng lên hàng đầu, kể cả đào tạo nghề lẫn dạy văn hóa.
Năm học 2022 - 2023, trường có 100% học sinh tham dự thi học sinh giỏi đều đạt giải với 2 giải Nhất; 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, nhiều em có điểm thi 3 môn tổ hợp trên 25 điểm, hơn 50% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào đại học. Những em có năng lực kém hơn được định hướng học nghề và có việc làm sau khi ra trường.
Nhà trường đã mở thêm cơ sở 2 tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) để thu hút người học vì địa bàn này chỉ có 2 trường THPT công lập, và không có trung tâm GDTX. Bên cạnh đó, nhà trường vận dụng các chính sách hiện hành, mở thêm một số lớp ngôn ngữ Đức, Anh, Hàn, Nhật, Trung Quốc… miễn học phí cho học sinh.
Tương tự, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An (đóng tại huyện Con Cuông) cũng hoàn thành tuyển sinh năm học 2023 - 2024 với hơn 550 chỉ tiêu. Các em đều là học sinh người dân tộc thiểu số đến từ các huyện miền núi cao của Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương…
Ông Lê Văn Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trong số 550 học sinh khóa mới, có khoảng 80 học sinh lựa chọn chương trình văn hóa THPT 3 năm, liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên. Còn lại các em sẽ học văn hóa, song song với học nghề với thời gian học 2 năm. Học xong các em vẫn có thể học liên thông lên cao đẳng”.
Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng dạy nghề - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An - cho biết: Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, trên cơ sở chuẩn đầu ra của người học sau tốt nghiệp. Một số nghề bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh, yêu cầu sử dụng của thị trường lao động.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chủ động hơn trong liên kết với doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Với tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đạt trên 90%, có mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại Nghệ An đang đi đúng hướng.