Đàn chó tại nhà 190 Hoàng Diệu, phường 9, quận 4, TP.HCM. Ảnh: NDCC
Phường đã nhiều lần làm việc
Trao đổi với PV, đại diện UBND phường 9, quận 4, TP.HCM cho biết thời gian qua, phường đã tiến hành vận động, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, mời làm việc, lập biên bản nhiều lần đối với chủ hộ 190 Hoàng Diệu. Vị này cũng cho biết hiện trong nhà có 82 con chó, hầu như là chó bệnh, chó già, chó bị bỏ rơi...
Ngày 22-12-2022, UBND phường phối hợp với Phòng TN&MT và Phòng Kinh tế quận thuê một công ty kiểm định đến kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước, không khí, mùi, tiếng ồn của nhà 190 Hoàng Diệu, kết quả cho thấy nước thải vượt quá quy chuẩn. Vì thế, phường đã báo cáo kết quả đến UBND quận để đưa ra quyết định xử phạt.
Theo đó, ngày 4-2, UBND quận 4 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Mỹ Thanh (ngụ tại 190 Hoàng Diệu) là chủ của 82 con chó trên với tổng số tiền 64 triệu đồng. Bà Thanh bị xử phạt với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên và các mức phạt tăng thêm vì các thông số môi trường vượt chuẩn kỹ thuật cho phép.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn buộc bà Thanh phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, báo cáo kết quả khắc phục xong hậu quả trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, bà Thanh còn phải chịu thêm trách nhiệm chi trả phí trưng cầu giám định cho công ty kiểm định với số tiền gần 2 triệu đồng.
Đại diện phường cũng thông tin thêm đến nay bà Thanh vẫn chưa thực hiện việc đóng phạt.
Theo ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận 4, hiện nay chưa có một quy định cụ thể nào về vấn đề nuôi chó và số lượng nuôi nên cũng rất khó để xử phạt. Để khắc phục, phường sẽ thực hiện quản lý chặt chẽ đàn chó thông qua danh sách, chủ chó làm cam kết không tăng số lượng và giảm dần đàn chó để tránh gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh”.
Một số quy định xử phạt liên quan Khi nuôi chó, các chủ nuôi cần lưu ý về những hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, theo điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300.000-500.000 đồng với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng. Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020), chủ vật nuôi có thể bị xử phạt 1-2 triệu đồng nếu có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng. Tại điểm b khoản 4 Điều 14 Nghị định 45/2022 quy định nếu nuôi chó gây tiếng ồn, tùy thuộc vào mức độ vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn mà áp dụng mức xử phạt, khung hình phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng… Trường hợp trên, việc bà Thanh bị xử phạt hành chính 64 triệu đồng do bà vi phạm hành vi làm ô nhiễm môi trường, không phải vì nuôi chó gây ồn ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Hiện nay, luật cũng không có quy định cụ thể giới hạn một hộ dân được phép nuôi bao nhiêu con chó và khi nuôi cần phải xin phép cơ quan chức năng. Việc một hộ dân nuôi nhiều chó ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến người dân xung quanh và nếu không vi phạm hành chính những lỗi trên sẽ không bị xử phạt. Ngoài ra, việc đo tiếng ồn từ tiếng chó sủa cũng rất khó vì việc xác định độ ồn này không giống như các cơ sở sản xuất gây ồn. Vì thế, pháp luật nên bổ sung quy định về việc hạn chế nuôi chó của một hộ gia đình để không ảnh hưởng đến những hộ dân sống xung quanh. Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM |