Đồng thời, chấm chính xác theo phiên họp thống nhất của Hội đồng chấm chung trong việc chia ý lớn, tách ý nhỏ. Đọc kỹ phần Đọc hiểu để không mất điểm của học sinh. Đánh giá cao phần sáng tạo mở rộng trong phần làm văn để phân loại học sinh. Tuy nhiên không đếm ý cho điểm mà phải chú ý chất văn và cách trình bày khoa học trong từng bài.
Cô Nguyễn Thị Nhuận, giáo viên Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) cũng nhận định đáp án, thang điểm bài thi Ngữ văn là phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu.
Đặc thù môn Ngữ văn có ảnh hưởng cảm nhận chủ quan của người chấm nhưng không nhiều, bởi đáp án, biểu điểm rõ ràng, yêu cầu rất rõ ràng từng ý. Để tránh sự chênh lệch điểm giữa các giám khảo, theo cô Nguyễn Thị Nhuận, người chấm cần học thuộc biểu điểm bám sát yêu cầu đáp án; chấm đúng quy chế, xem kỹ từng phần tránh sót ý, cộng nhầm điểm của thí sinh,...
Nhằm quán triệt và tạo sự thống nhất cao trong công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre cho biết: Lãnh đạo Hội đồng chấm thi tự luận đã tổ chức họp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên.
Trước khi họp toàn thể Hội đồng chấm thi tự luận, trưởng môn chấm thi đã họp cùng tổ trưởng, tổ phó các tổ chấm để nghiên cứu, thảo luận kỹ đáp án và hướng dẫn chấm.
Trên cơ sở đề xuất, phân tích các tình huống có thể phát sinh trong quá trình chấm bài, trưởng môn và tổ trưởng các tổ chấm đã chủ động thống nhất biểu điểm từng phần, đưa ra các cách diễn đạt tương đương mà vẫn đúng với tinh thần đáp án.
Vì thế, khi triển khai sinh hoạt đáp án, trong toàn thể hội đồng, cũng như từ thực tế 10 bài chấm chung, giám khảo đã có cơ sở pháp lý (đáp án, hướng dẫn chấm) và cơ sở thực tế để linh hoạt trong quá trình chấm, phù hợp với đặc trưng bộ môn.