Việc học sinh phải lựa chọn tổ hợp môn học từ lớp 10 và không có cơ hội chuyển hướng sau đó đặt ra yêu cầu cần tư vấn định hướng nghề nghiệp ngay từ khâu nộp hồ sơ tại các trường THPT.
Mới đây, trong thông báo tuyển sinh, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) nêu rõ: "Nhà trường không giải quyết việc xin đổi lớp trong suốt khóa học 3 năm".
Trường hợp học sinh muốn đổi loại hình lớp, học sinh đó phải nhận được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường và phải học bù đủ số tiết các môn chưa học.
Trên thực tế, việc đổi lớp theo hướng thay đổi tổ hợp môn học là điều không dễ dàng, liên quan trực tiếp tới điều kiện của nhà trường.
Thông báo của trường Phan Huy Chú khiến Đinh Khánh Chi, học sinh lớp 12 một trường công lập tại Hà Nội, nhớ lại thời điểm nuối tiếc đến bật khóc vì đánh mất cơ hội thi vào trường Y do lựa chọn sai từ lớp 10.
"Em sinh năm 2007, là khóa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT. Trước đó, không có ai tư vấn cho em về việc lựa chọn tổ hợp môn có ý nghĩa như thế nào với việc thi đại học sau này.
Vì vậy, em đã chọn tổ hợp môn "nhẹ nhàng" là vật lý, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật. Thời điểm đó em chưa xác định sẽ thi đại học nào, học nghề gì.
Tới lớp 11, em bắt đầu thấy thích thú với nghề y sau một chuyến đi tình nguyện. Tuy nhiên khi bố mẹ xin cho em đổi sang lớp có môn sinh thì không được nhà trường đồng ý.
Cả trường chỉ có duy nhất 1 lớp có tổ hợp toán, hóa, sinh. Em sẽ phải học bù tới 3 môn gồm hóa học, sinh học, địa lý. Nhà trường cho biết điều kiện của trường không thể giúp em đổi lớp. Em buộc phải học ở lớp cũ và bỏ ước mơ vừa nhen nhóm", Khánh Chi tâm sự.
Hiệu trưởng một trường công lập tại Hà Nội chia sẻ, 3 năm qua, những trường hợp như Khánh Chi không phải hiếm. Một phần do công tác hướng nghiệp từ bậc THCS lẫn công tác tư vấn từ đầu vào tại các trường THPT chưa được làm tốt. Một phần do hạn chế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường.
"Nhiều trường THPT có nguồn lực hạn chế. Việc tổ chức các mô hình lớp học lại phải dựa trên nguồn lực của nhà trường. Do đó, trường không thể đáp ứng được hết nguyện vọng của học sinh.
Thêm vào đó, học sinh chỉ biết được cơ cấu các lớp học sau khi đã trúng tuyển. Các em buộc phải chọn lớp phù hợp nhất với mình chứ không được tự chọn môn học theo ý muốn. Điều này đặt ra yêu cầu cần tư vấn, định hướng sâu cho học sinh ngay từ khâu nộp hồ sơ vào trường.
Ở khía cạnh này, các trường tư thục đang làm tốt hơn", vị hiệu trưởng nêu quan điểm.
Từ góc nhìn lợi ích của học sinh, ông Đinh Quang Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Long Quân - cho rằng việc tổ chức các lớp học theo từng tổ hợp môn cần kết hợp giữa nguồn lực mà nhà trường có với yêu cầu của các kỳ thi đánh giá năng lực.
"Trước đây, các trường tư thục có chất lượng đầu vào ở mức trung bình chỉ đặt mục tiêu cho học sinh đỗ tốt nghiệp. Nhưng hiện tại, đó không nên là mục tiêu duy nhất, nếu không nhà trường sẽ đóng lại cánh cửa tương lai của các em.
Việc xếp lớp theo tổ hợp không chỉ căn cứ trên 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT mà cần căn cứ vào các kỳ thi đánh giá năng lực, đảm bảo học sinh rộng cửa vào đại học.
Trường hợp các em không chọn đại học cũng có thể dùng những kiến thức, kỹ năng bậc THPT để học nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ngày càng cạnh tranh", ông Dũng nhận định.
Ông Dũng cũng đồng quan điểm về việc cần tư vấn thật kỹ càng từ đầu vào cho học sinh để các em đưa ra lựa chọn lớp học đúng đắn nhất. Đồng thời, nhà trường nên cho học sinh được đổi môn 1 lần sau khi học xong lớp 10.
"Thực tế, công tác hướng nghiệp ở bậc THCS còn yếu. Hướng nghiệp trong gia đình thường bắt đầu muộn, khi học sinh đã học cấp 3. Do đó, việc học sinh mông lung với nghề nghiệp tương lai khi bước chân vào bậc THPT là điều dễ hiểu.
Nhà trường cần thấu hiểu điều này và làm những gì tốt nhất cho các em, cho phép các em có thời gian trải nghiệm, tìm hiểu chính mình và đưa ra lựa chọn khác sau khi kết thúc lớp 10", ông Dũng nêu ý kiến.