Với trẻ mầm non, việc truyền dạy các kỹ năng cần thiết không chỉ thông qua lời nói mà còn bằng hình ảnh trực quan, không gian sáng tạo.
Công tác tại Trường Mầm non Kim Sơn (Đoài Phương, Hà Nội) từ năm 2013, cô Hạ Thị Trang đã và đang tiếp tục chứng minh năng lực, sự sáng tạo của giáo viên trẻ tận tâm, đổi mới vì học trò. Trong hoạt động chuyên môn, cô tích cực tham gia các Hội thi do nhà trường, cấp trên tổ chức và đạt nhiều thành tích nổi bật, góp phần vào phong trào thi đua chung của đơn vị.
Cô Trang còn khai thác triệt để lợi thế địa phương và lên kế hoạch đưa vào giảng dạy các nội dung gắn liền với văn hóa lịch sử, đặc biệt là văn hóa Xứ Đoài. Ví như, thị xã Sơn Tây trước đây của Hà Nội nổi tiếng với Làng cổ Đường Lâm, Làng Mô, cô Trang tận dụng lợi thế để tổ chức cho trẻ trải nghiệm thực tế. Được khám phá kiến thức mới đã giúp trẻ, nhất là khối mẫu giáo lớn vô cùng háo hức.
Một trong những nét văn hóa dân gian độc đáo của xứ Đoài là Hát Dô đã được cô Trang tận dụng, thông qua phần mềm ChatGPT và ứng dụng Suno AI để sáng tác bài hát. Sau đó cô hát cho trẻ nghe và giới thiệu về thể loại hát này.
“Tôi dùng AI để sáng tác ra những bài hát, bài thơ nói về giới tính. Trên cơ sở kết quả phần mềm, tôi chỉnh sửa lời bài hát/bài thơ đó sao cho phù hợp với trẻ. Những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu sẽ giúp các con phân biệt được sự khác nhau giữa bé trai và bé gái”, cô Trang tâm sự và cho biết, việc biến lớp học thành không gian sáng tạo cho trẻ đóng vai trò quan trọng để kích thích tư duy, sự nhanh nhạy để cảm thụ những điều mới mẻ trong cuộc sống.
Nhờ sự hỗ trợ từ công nghệ, cô trò có thêm nhiều trải nghiệm hữu ích, cụ thể hóa được những bài học gần gũi, thiết thực với lứa tuổi mầm non. Ngoài ra, cách làm sáng tạo của cô Trang đã được giới thiệu tới đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường.
Không chỉ tập trung và hoàn thành xuất sắc các công việc chuyên môn, cô Hạ Thị Trang còn tích cực tham gia phong trào thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa tại địa phương. Mục đích của cô nhằm lan tỏa tinh thần nhân ái, sẻ chia với những mảnh đời khó khăn để họ vươn lên trong cuộc sống. Năm 2024, cô Trang được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt”.
Hơn 12 năm gắn bó với nghề, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng - Trường Mầm non Đông Ngạc B (Phú Thượng, Hà Nội) nỗ lực không ngừng trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Cô đã mạnh dạn ứng dụng nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến như Montessori, STEAM, dạy học theo dự án... nhằm nâng cao chuyên môn và đem đến những bài học hay, bổ ích cho trẻ.
Năm học 2024 - 2025, học tập cách làm của Trường quốc tế Liên Hợp Quốc (UNIS), cô Hằng áp dụng mô hình “Trò chuyện buổi sáng trong các dự án học tập cho trẻ mầm non”. Đây là hình thức tập trung cả lớp vào đầu giờ sáng trong khoảng thời gian 15 - 30 phút gồm: Chào hỏi, chia sẻ, hoạt động nhóm và thông điệp sáng nhằm giúp cả lớp gần nhau, có mối liên hệ chặt chẽ và tạo dựng cảm giác cộng đồng/tập thể.
Ở phần Chào hỏi, giáo viên và trẻ chào hỏi nhau bằng tên gắn với các hành động mô phỏng về con vật, đồ vật, hoạt động mà trẻ thích như vẫy tay, con bướm, chạm nắm tay, chào tên, tung bóng, chào thẻ từ/số…, tiếng vọng, biết ơn vì, khen ngợi, tiếng ồn. Cô trò có thể di chuyển bằng cách đi nhón chân, nhảy chân sáo, đi như chim cánh cụt và chào hỏi bằng cách: Chạm khuỷu tay, bắt tay, đập tay, chạm ngón út...
“Qua hoạt động trò chuyện buổi sáng, tôi giải quyết được vấn đề khó khăn của dự án học tập đó là thăm dò hiểu biết, khơi gợi hứng thú của trẻ về chủ đề dự án. Từ chia sẻ của trẻ, giáo viên có thể điều chỉnh nội dung dự án sao cho phù hợp với sự hiểu biết và quan tâm của trẻ”, cô Hằng trao đổi.
Những kiểu chào hỏi và câu hỏi mở giúp trẻ tò mò, mong muốn khám phá kết nối nội dung học tập với trải nghiệm thực tế. Trẻ có cơ hội chia sẻ những trải nghiệm của cá nhân liên quan dự án. Trẻ luyện tập cách diễn đạt suy nghĩ, mở rộng vốn từ vựng, có sự chuẩn bị và hình dung về hoạt động trong dự án. Trò chuyện buổi sáng không chỉ là hoạt động giao tiếp mà còn trở thành công cụ giúp dự án học tập trở nên ý nghĩa, hiệu quả hơn.
Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng luôn nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo và rất tâm huyết, trách nhiệm với nghề. Những sáng kiến của cô khi áp dụng đã mang lại nhiều kết quả tích cực, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ. Nhờ đó, cô Hằng nhận được sự tin yêu từ phía phụ huynh và cấp trên ghi nhận. - Bà Trần Thị Kim Thu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Ngạc B