Mít là loại quả ngon miệng được nhiều người yêu thích, vậy nhưng mít cần tránh ăn vào một số thời điểm vì có thể gây hại cho sức khoẻ, vậy không nên ăn mít vào lúc nào?
Tác dụng của quả mít với sức khoẻ
Mít là loại trái cây nhiệt đới phổ biến ở Đông Nam Á với hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Dưới đây là những tác dụng của quả mít với sức khoẻ:
Giàu dinh dưỡng
Báo Thanh Niên dẫn nguồn trang Onlymyhealth cho biết, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), mít cung cấp các dưỡng chất thiết yếu. Mít giàu vitamin A, C và nhóm B, rất cần thiết để duy trì sức khỏe.
Vitamin A hỗ trợ thị lực và sức khỏe làn da. Vitamin C tăng cường hệ miễn dịch và giúp sản sinh collagen. Trong khi đó, các vitamin nhóm B, bao gồm B6, niacin và riboflavin, đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất tạo năng lượng.
Cải thiện tiêu hóa
Chất xơ rất cần thiết cho sức khỏe tiêu hóa vì nó giúp ngăn ngừa táo bón, đầy hơi và thúc đẩy nhu động ruột thường xuyên. Ngoài ra, chất xơ còn giúp no lâu, hỗ trợ duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Mít chứa prebiotics, là thức ăn cho các lợi khuẩn trong đường ruột. Một hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh sẽ ngăn ngừa các rối loạn tiêu hóa.
Tăng năng lượng
Quả mít chứa lượng lớn carbohydrate, thành phần đường tự nhiên fructose và sucrose giúp cung cấp năng lượng nhanh chóng cho cơ thể. Đây là lý do có thể lựa chọn mít làm món ăn nhẹ trong những ngày làm việc căng thẳng hoặc trước khi tập luyện.
Phòng ngừa ung thư
Với thành phần như flavonoid, saponin, tanin, quả mít rất giàu chất chống oxy hóa để bảo vệ tế bào tránh khỏi sự tấn công của gốc tự do, nhờ đó có thể phòng ngừa bệnh ung thư.
Không nên ăn mít vào lúc nào?
Tuy mang lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ tuy nhiên bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của bác sĩ Nguyễn Thị Nhung cho biết, mặc dù mít mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng không nên bỏ qua nhưng khi tiêu thụ thức quả này cũng cần lưu ý:
- Không ăn quá nhiều: Mít có hàm lượng đường cao, nên ăn quá nhiều có thể gây tăng cân và không tốt cho những người bị tiểu đường.
- Không ăn khi đói:Nếu ăn mít khi đói có thể gây đầy bụng. Vì thế, hãy ăn mít sau bữa ăn chính để tránh các vấn đề về tiêu hóa.
- Không nên ăn vào buổi tối:Mít có hàm lượng đường cao, tính nhiệt, nếu ăn vào buổi tối có thể gây đầy bụng, ảnh hưởng đến tiêu hóa và chất lượng giấc ngủ.
- Người mắc bệnh mạn tính: Những người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, bệnh thận,... nên thận trọng khi ăn mít. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm mít vào chế độ ăn hàng ngày.
Mít là loại quả mang lại rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ nếu bạn ăn đúng thời điểm.