Ngày 29/9, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tại Hội thảo, GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân - khẳng định, qua các thời kỳ, Hà Nội luôn hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa và đều khẳng định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, có vị thế quan trọng trong quan hệ quốc tế.
Vị thế của Hà Nội sẽ tiếp tục được khẳng định trong định hướng quy hoạch Thủ đô giai đoạn tới.
Quang cảnh hội thảo diễn ra ngày 29/9
Góp ý cho định hướng quy hoạch Thủ đô, hai chuyên gia TS. Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội và TS. Đỗ Xuân Trọng - Phó trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội - dẫn nội dung về phương án nghiên cứu việc xây dựng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô và cho rằng việc quy hoạch sân bay và xây dựng sân bay cần được nhìn nhận đánh giá trên bình diện chung của cả vùng miền, của các tỉnh, thành phố chứ không thể chỉ nhìn nhận trong phạm vi Thủ đô.
Theo TS Chu Mạnh Hùng và TS Đỗ Xuân Trọng, quá trình xây dựng sân bay sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiện trạng sử dụng đất cũng như thay đổi quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… Bởi sân bay cần diện tích rộng lớn, chiều cao các công trình khu vực kế cận bị hạn chế.
Hơn nữa, nguồn lực để xây dựng sân bay cũng rất lớn trong khi hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng hiện đại cho Thủ đô còn hạn chế.
Nhóm chuyên gia của trường Đại học Luật cho rằng Hà Nội không nên xây dựng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô mà chỉ duy trì một sân bay Nội Bài. Từ đó quy hoạch theo hướng tập trung, mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế này.
Bên cạnh đó, nguồn lực để xây dựng sân bay nên dành cho việc phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại như tàu điện ngầm, cao tốc, xe buýt… Các chuyên gia cho rằng hệ thống này sẽ giúp kết nối Hà Nội tới tận những vùng ngoại thành và các địa phương khác trong cả nước.
Việc này cũng giảm áp lực về nhu cầu nhà ở cho người dân tại khu đô thị, đồng thời giảm thiểu tình trạng tắc đường và ô nhiễm của Thủ đô khi người dân sử dụng các phương tiện công cộng thay vì sử dụng các phương tiện chủ yếu là xe máy như hiện nay.