Nhiều phụ huynh cho rằng, học sinh đã trải qua các kỳ kiểm tra, đánh giá; nhất là học sinh lớp 9, lớp 12 phải đối diện với kỳ thi quan trọng là tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH… rất áp lực. Có thêm các kỳ khảo sát khó tránh khỏi làm tăng thêm áp lực, căng thẳng cho học sinh.
Chia sẻ về điều này, Giám đốc Bùi Thị Kim Tuyến khẳng định: Ở địa phương, học sinh lớp 10 không phải khảo sát chất lượng đầu năm vì đã có kết quả thi vào 10 làm căn cứ phân loại. Các kỳ khảo sát đầu năm, cũng như các bài kiểm tra định kỳ, kiến thức trong chương trình, hình thức khảo sát cũng như làm một bài kiểm tra không có gì căng thẳng, áp lực cho học sinh. Ngoài mục đích đã nêu ở trên, việc kiểm tra còn giúp học sinh tự ôn tập lại kiến thức đã học ở lớp dưới qua một kỳ nghỉ hè có thể bị rơi rớt.
“Sở GD&ĐT Hòa Bình đã tính đến việc khảo sát không gây áp lực cho học sinh. Vì vậy, Sở đã chỉ đạo các nhà trường ra đề khảo sát bám sát chương trình, động viên học sinh ôn tập tốt, tự tin làm bài. Đồng thời, tuyên truyền với phụ huynh mục đích tích cực của khảo sát chất lượng để phụ huynh động viên, kèm cặp con em học bài, làm bài tốt”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình bày tỏ.
Tuy nhiên, không phải nhà trường, địa phương nào cũng cho rằng tổ chức các kỳ khảo sát chất lượng là cần thiết. Như tại Bến Tre, theo thầy Phạm Thành Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Văn Cấn (huyện Mỏ Cày Bắc), địa phương, nhà trường không tổ chức bất kỳ kỳ khảo sát nào, kể cả thi thử. Tổ chức việc này mất nhiều thời gian của giáo viên, học sinh; tạo áp lực không cần thiết cho người học.
Thầy Phạm Thành Nhân cho biết thêm, nhà trường định hướng học sinh lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội (thi tốt nghiệp THPT) từ đầu năm học lớp 11. Sau năm học này, học sinh có thể điều chỉnh lựa chọn. Sang lớp 12, giáo viên dạy theo sát học sinh, lựa chọn học sinh còn yếu để tham gia các lớp phụ đạo; khi đạt yêu cầu, các em sẽ được rời khỏi lớp.
Trường hợp học sinh yếu để tham gia phụ đạo được bổ sung tiếp tục theo từng chuyên đề. Bên cạnh đó, trong kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ (từ lớp 10), nhà trường đều tổ chức theo cách chia phòng gồm 24 thí sinh như khi thi tốt nghiệp THPT để học sinh được làm quen cách làm bài và không khí phòng thi từ chính các đợt kiểm tra này.
Từ kinh nghiệm thực tiễn tại Trường THPT Cát Bà, thầy Nguyễn Trung Thành cho rằng, tổ chức khảo sát cần có kế hoạch, theo chỉ đạo chung của Sở GD&ĐT và lựa chọn thời điểm thích hợp. Với học sinh lớp 12 nên tổ chức sớm khoảng đầu kỳ, giữa kỳ II để phân loại học sinh và tổ chức ôn tập phù hợp, không dồn vào các kỳ kiểm tra đánh giá. Cùng đó, lưu ý làm tốt công tác tuyên truyền để học sinh, phụ huynh thấu hiểu, ủng hộ.