Thực tế cho thấy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam không chỉ dựa vào giải pháp tài khóa và tiền tệ, mà đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế. Các động lực đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng. Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ; trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ.
"Trong bối cảnh phát triển mới, chúng tôi tâm niệm thể chế chính là nguồn lực, thậm chí “chìa khóa” cho tăng trưởng của Việt Nam”, bà Minh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM - cho rằng, một số diễn biến từ thế giới có ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam cần được theo dõi. Năm 2024, Việt Nam càng phải quyết liệt hơn với cải cách thể chế kinh tế để tăng tốc phục hồi tăng trưởng.
Theo ông Dương, Việt Nam cần sớm có các cơ chế thử nghiệm phù hợp để “chắp cánh” cho các mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp hướng tới tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tranh thủ hỗ trợ của đối tác FTA thông qua các điều khoản về hợp tác phát triển.