Để phát hiện những hành vi tiêu cực này, cần phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, trong đó phải quy định và thực hiện hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực bên ngoài (giữa lập pháp với tư pháp, tư pháp và hành pháp...), bên trong hệ thống tư pháp (giữa các cơ quan hoạt động tư pháp với nhau); bên trong mỗi cơ quan hoạt động tư pháp.
Ví dụ: trong giải quyết một vụ án hình sự, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án do 4 cơ quan khác nhau thực hiện, thì giữa các cơ quan đó phải kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau để phát hiện những sai sót, vi phạm. Tòa án xét xử theo cáo trạng của Viện kiểm sát, nhưng Viện kiểm sát có quyền kháng nghị bản án của tòa án, hoặc thi hành án phát hiện vụ án có vướng mắc thì có quyền đề nghị tòa án giải thích bản án...
Bên cạnh đó, Tòa án cũng có hệ thống kiểm soát riêng trong hệ thống Toà án như TAND tối cao giám đốc việc xét xử của các toà án; TAND cấp cao, TAND tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng…
Nhà nước pháp quyền XHCN tạo ra các công cụ cần thiết để thực hiện việc kiểm soát quyền lực rất tốt, trong đó có kiểm soát của nhân dân. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện sự kiểm soát đó được hiểu thế nào cho đúng và cơ chế tổ chức kiểm soát đó thực hiện ra sao cho hiệu quả thì đó là vấn đề cần cố gắng thực hiện. Đặc biệt, cần quy định đầy đủ quyền, nghĩa vụ tố tụng của những người tham gia tố tụng và đảm bảo để họ thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ đó, bảo đảm quyền khiếu nại trong tố tụng tư pháp... là biện pháp kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp phải mang tính đặc thù
PV : Như ông vừa nói, một giải pháp quan trọng để phòng ngừa, ngăn chặn sự tha hóa là phải thiết lập cơ chế để kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp, trong đó cần nhận thức thống nhất và vào cuộc đồng bộ?
Ông Trần Văn Độ : Kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp là yêu cầu bức thiết đặt ra. Để kiểm soát tốt thì việc phân công chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải rõ ràng, minh bạch. Cái gì của tư pháp thì tư pháp làm, nhưng khi tư pháp làm thì cơ quan lập pháp, hành pháp phải kiểm soát.
Ví dụ, vấn đề quản lý tòa án. Hiện nay đang có ý kiến đề xuất nghiên cứu thành lập Hội đồng tư pháp Quốc gia do Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng, có nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển tòa án; thực hiện việc tuyển chọn, giám sát, khen thưởng, kỷ luật thẩm phán… chứ không thể để cho Chánh án TANDTC vừa là người tiến hành tố tụng cao nhất, vừa kiểm soát thì dễ dẫn đến thiếu khách quan, thậm chí là lạm quyền.
Kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp phải mang tính đặc thù, không thể kiểm soát như những lĩnh vực khác. Trong phạm vi độc lập đó, kiểm soát quyền lực tư pháp không được tạo ra sự can thiệp đối với việc xét xử của tòa án. Còn nếu kiểm soát quá chặt, quá cứng nhắc có thể dẫn đến Thẩm phán bị “bó tay”, không dám độc lập xét xử, và từ đó sẽ dẫn đến đình trệ.
Nhiệm vụ cao nhất của tư pháp là bảo vệ công lý. Vì vậy, một nền tư pháp hối lộ, tham nhũng, tiêu cực thì công lý sẽ không còn.
PV : Về phương thức kiểm soát quyền lực, ngoài kiểm soát từ bên trong, tức là trong nội bộ mỗi cơ quan và giữa các cơ quan tố tụng, theo ông cần có thêm cơ chế kiểm soát nào?
Ông Trần Văn Độ : Kiểm soát từ bên trong hệ thống tư pháp là giữa các cơ quan hoạt động tư pháp với nhau, giữa cơ quan điều tra với viện kiểm sát, với tòa án, cơ quan thi hành án. Nhưng bên trong mỗi cơ quan này cũng phải có hệ thống kiểm soát của mình nữa.
Pháp luật quy định TAND tối cao giám đốc việc xét xử của các tòa án thông qua hoạt động khác nhau, thông qua giám đốc thẩm, tái thẩm, thanh tra... Vì thế cho nên, theo tôi, TAND tối cao nên tổ chức một hệ thống thanh tra thật chuẩn, có những chuyên gia thật tốt để không chỉ phát hiện sai phạm, xử lý kỷ luật những người vi phạm, mà quan trọng hơn nữa là bảo vệ những Thẩm phán hoạt động tích cực, độc lập xét xử, dám làm theo đúng pháp luật.
Còn giám sát từ bên ngoài quyền lực tư pháp thì có nhiều cơ chế như thông qua hoạt động của cơ quan lập pháp, hành pháp, giám sát xã hội, giám sát từ chính những người tham gia tố tụng tư pháp… Theo tôi, kiểm soát của các đương sự trong vụ án có vai trò rất quan trọng. Bị can, bị cáo mà bị kết oan, sai là người ta kêu ngay; nguyên đơn, bị đơn tranh chấp mà bị làm sai thì người ta cũng sẽ có ý kiến ngay... Cho nên, để kiểm soát tốt thì chúng ta phải quy định một hệ thống quyền và nghĩa vụ tố tụng cho những người tham gia tố tụng thật chuẩn và bảo đảm cho họ thực thi được các quyền, nghĩa vụ đó. Ví dụ, luật quy định bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa; họ nhờ luật sư bào chữa, nhưng luật sư lại không được tạo điều kiện để thực hiện đầy đủ khả năng bào chữa như luật định, thì sẽ không có sự kiểm soát hiệu quả.
Về giám sát từ bên ngoài là nhân dân và cơ quan dân cử, khi người dân thấy có dư luận, hoặc theo cảm nhận có vụ án này vụ án kia gặp vấn đề thì họ có thể gửi phản ánh lên cơ quan chức năng. Tuy nhiên hoạt động tư pháp là hoạt động chuyên ngành, nhiều vụ việc người ngoài không nắm được nên nhiều khi có dư luận nhưng sự thật lại không đúng như dư luận. Cơ quan, người có thẩm quyền cần có cách tiếp cận đặc thù trong tiếp nhận ý kiến dư luận.
Do đó, cần chú trọng hai yếu tố giữa kiểm soát bên trong và kiểm soát từ bên ngoài, đặc biệt là trong tư pháp phải kiểm soát bên trong hệ thống và trong từng cơ quan là vấn đề cần quan tâm. Còn về kiểm soát từ bên ngoài giữa lập pháp với tư pháp, hành pháp với tư pháp cần được nghiên cứu để có cơ chế phù hợp; trong đó, theo chúng tôi việc thiết lập Hội đồng tư pháp Quốc gia là cần thiết và hợp lý.
PV : Xin cảm ơn ông./.