Tuy nhiên, hiện điều kiện bảo đảm thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới ở các địa phương hầu như chưa được đáp ứng. Nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học bộ môn và thiết bị dạy học tối thiểu. Đặc biệt, tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới, giáo viên dạy môn tích hợp xảy ra ở hầu hết tỉnh, thành trên cả nước.
Từ thực tế trên, theo tôi cần có giải pháp tổng thể và dài hơi. Trong bối cảnh thiếu giáo viên như hiện nay, Bộ GD&ĐT, các địa phương cần tham mưu, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội về việc không thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục. Để đảm bảo tính thuyết phục, việc này cần thực hiện bài bản, khoa học và gắn với thực tiễn về số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học mới, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần căn cứ theo thực tế của địa phương để có quyết sách đúng và trúng. Trước mắt, cần thực hiện đúng, đủ, nghiêm túc, công bằng việc bổ nhiệm, thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, giúp thầy, cô yên tâm công tác. Ngoài ra, làm tốt công tác quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục, thực hiện tốt phân luồng học sinh sau THCS. Đối với đội ngũ giáo viên, cần chú trọng phẩm chất đạo đức và thái độ làm việc, để “thầy ra thầy, trò ra trò”.
Một vấn đề mà dư luận quan tâm đó là tình trạng lạm thu đầu năm học. Tôi mong rằng, vấn đề này sẽ không xảy ra trong năm học mới. Đặc biệt, cần gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Muốn vậy, phải thống nhất về khoản nào được phép thu theo hình thức xã hội hóa và khoản nào không được phép thu. Cơ sở giáo dục cần công khai, minh bạch các khoản thu chi, nếu phát hiện đơn vị nào lạm thu, cần xử lý thật nghiêm để tạo tính răn đe trước toàn ngành.
PGS.TS Phạm Thị Huyền. Ảnh: NVCC |
Phải khẳng định, tự chủ đại học là chủ trương đúng để huy động được các nguồn lực của toàn xã hội cho phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, do khái niệm “tự chủ” được hiểu chưa đầy đủ, thiên về “tự chủ tài chính”, ít nghĩ tới các khía cạnh khác còn quan trọng hơn như: Tự chủ tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, tự chủ học thuật.
Xã hội nói chung và nhiều gia đình, người học cho rằng, tự chủ gắn liền với học phí tăng bởi các trường phải “tự lo”, hoặc tự chủ là “tự do”, muốn làm gì thì làm, chất lượng sẽ không đảm bảo. Tư duy này làm cho các trường ngại tự chủ, người học và gia đình cũng ngại theo học các trường tự chủ.
Từ thực tế nêu trên, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cần chung tay góp sức cùng các trường đại học trong công tác truyền thông về tự chủ đại học. Quá trình truyền thông không nhấn mạnh vào tự chủ tài chính, mà cần nhấn mạnh vào tự chủ học thuật. Trong đó, có liên quan tới việc các trường tự chủ có thể phát triển chương trình đào tạo riêng biệt trên cơ sở tiếp thu tri thức mới, bối cảnh mới, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động với các kiến thức và kỹ năng mà các chương trình đào tạo cũ không đáp ứng được.
Nhờ tự chủ, trường đại học có thể chủ động thực hiện các hoạt động khoa học, trao đổi học thuật, liên kết nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Qua đó, tạo cơ hội cho người học được tham gia, trải nghiệm và thực hành thực tế ngay khi còn trên ghế nhà trường; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Về tự chủ tài chính, tài sản. Hiện, các trường tự chủ có thể chủ động hơn trong đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, xã hội xây dựng phòng thí nghiệm, thư viện, công trình hỗ trợ đào tạo. Qua đó tạo nên không gian học thuật đạt chuẩn quốc tế.
Các trường tự chủ có thể chủ động liên doanh, liên kết để đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp cho người học, từ học tập chính khóa, bồi dưỡng kỹ năng cho đến giải trí… Tất cả điều đó tạo nên hệ thống cung cấp dịch vụ giáo dục đại học chất lượng cao. Và với chất lượng đó, việc thu đúng, thu đủ học phí là cần thiết. Người học và xã hội sẽ không còn nghi ngờ, phàn nàn về học phí hay tư duy tự chủ là tự do, hay tự chủ là tự lo ở các trường đại học chưa tự chủ hiện nay.
Thực tế cho thấy, hiện có sự thiếu đồng bộ trong các chính sách liên quan tới vận hành trường đại học tự chủ. Vì vậy, mong Bộ GD&ĐT cùng với cơ quan quản lý Nhà nước sớm tiến hành rà soát, sớm sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật để tự chủ đại học được triển khai hiệu quả hơn.
Đặc biệt, với vai trò của người lao động, tôi cũng hy vọng quyền làm chủ của người lao động với hoạt động của trường đại học công lập tự chủ được quy định rõ nét hơn trong văn bản pháp luật được sửa đổi đó.
Ngoài ra, tôi cũng mong Bộ GD&ĐT khi ban hành văn bản mới, cần có sự tham vấn ý kiến của các trường để thực hiện truyền thông đúng, đủ, để không ảnh hưởng tới uy tín của ngành Giáo dục và hoạt động của nhà trường.
“Bộ GD&ĐT cần chủ động tham mưu với Chính phủ và tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để có cơ chế, chính sách cải thiện thu nhập cho giáo viên; đồng thời thu hút, giữ chân thầy cô giỏi và học sinh giỏi vào ngành Sư phạm”, bà Nguyễn Thị Việt Nga nói.