Kiến giải về định giá sách giáo khoa

28/04/2024, 06:53
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giá sách giáo khoa thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội, bởi đây là mặt hàng đặc thù, thiết yếu.

Cuối cùng, khi định giá, thường đề cập đến giá các sản phẩm tương đồng trên thị trường. Hiện, không chỉ có sách giáo khoa mới là sản phẩm in để bán, mà nhiều sách khác cũng in để bán và nội dung, cách thức, kiểu cách tương tự nhau…

Chúng ta phải căn cứ vào những sản phẩm cùng loại, có tính tương đồng đó để so sánh, đánh giá và làm căn cứ định giá cho sản phẩm sách giáo khoa. Cần so sánh tương đồng ở nhiều mặt, để khi định giá một cuốn sách không có chi phí bất hợp lý, gây thiệt hại cho người học, nhưng cũng bảo đảm lợi ích hợp lý, đủ để bù đắp cho người sản xuất kinh doanh…

Ngoài ra, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, chúng ta cần xét vấn đề liên quan đến nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Tính đúng là tính những chi phí nào nằm trong giá thành để tránh tình trạng một số khâu không kiểm soát tốt khiến giá thành bị đội lên… Nếu không tính đúng, tính đủ mà áp một mức giá khống chế, không phù hợp thì không có sản phẩm tốt, chất lượng cao.

Lớp học Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG
Lớp học Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG

Phương pháp định giá

Tuy Luật Giá chưa có hiệu lực nhưng thời điểm này, cơ bản các nhà xuất bản đã gửi bảng kê khai giá cho Bộ Tài chính năm 2024, 2025. Ông Trần Thanh Đạm - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) thông tin và cho hay: Bộ đang thảo luận về phối hợp, rà soát kê khai giá của nhà xuất bản.

“Bộ GD&ĐT có trách nhiệm lớn trong việc quy định giá trần sách giáo khoa. Vì vậy, sau khi Luật Giá ban hành, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, chuyên môn về giá thuộc về Bộ Tài chính. Bộ GD&ĐT đã tham khảo Bộ Tài chính từ sớm, khi được Quốc hội giao quyền cho Bộ GD&ĐT”, ông Trần Thanh Đạm cho hay.

Về phương pháp định giá, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính trao đổi, theo quy định của Luật Giá và chức năng nhiệm vụ, Bộ Tài chính là cơ quan xây dựng phương pháp định giá nói chung, trong đó bao gồm giá sách giáo khoa. Hiện, Bộ Tài chính cơ bản hoàn thiện nghị định hướng dẫn Luật Giá và dự thảo thông tư về phương pháp định giá.

Trong phương pháp định giá, nội dung nào đặc thù, có tính cá biệt trong chi phí để biên soạn xuất bản, phát hành sách giáo khoa thì Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho ý kiến. Theo đó, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến của các nhà xuất bản cũng như các kênh thông tin liên quan. Từ đó, làm rõ vấn đề cần quy định đặc thù với chi phí để biên soạn, xuất bản phát hành sách giáo khoa đưa vào thông tư của Bộ Tài chính, tạo cơ sở cho các nhà xuất bản xây dựng quy định giá đối với sách giáo khoa của mình.

Trao đổi về phương pháp định giá trần, ông Trần Thanh Đạm nhấn mạnh, đây là công việc quan trọng nên Bộ GD&ĐT đã thảo luận với cơ quan liên quan, trao đổi với nhà xuất bản để xác định giá của sách giáo khoa hình thành từ khoản chi phí nào? Tính đúng, tính đủ nhưng phải hài hòa.

“Trên cơ sở trao đổi với cơ quan liên quan, chúng tôi đã có văn bản gửi nhà xuất bản để họ thông tin về giá đang tính, với phương pháp trên cơ sở chi phí thực tế. Bộ GD&ĐT có phương án cân đối, rà soát lại từ thông tin của các nhà xuất bản”, ông Trần Thanh Đạm.

Đề cập đến Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ “Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (Nghị quyết 32), ông Trần Thanh Đạm trao đổi, Nghị quyết 32 đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15.

Với nội dung này, Bộ GD&ĐT chia thành 3 nhóm vấn đề mà Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ là đơn vị chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện.

Cụ thể: Thứ nhất, tổng kết đánh giá đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, xã hội hóa sách giáo khoa.

Thứ hai, hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số và người khiếm thị; đồng thời hướng dẫn in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương, sách giáo khoa điện tử theo Chương trình GDPT năm 2018.

Thứ ba, ban hành quy định về giá tối đa sách giáo khoa; phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các quy định về phương pháp định giá đối với hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Giá, trong đó có quy định có thể áp dụng cho sách giáo khoa, hay quy định giá trần sách giáo khoa.

GS.TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận, để kiểm soát giá sách giáo khoa vừa đảm bảo nhu cầu người học, phù hợp khả năng thanh toán, song phải khuyến khích được các nhà sản xuất để ra sản phẩm tốt nhất, hướng dẫn thực hiện định giá của Bộ GD&ĐT tới đây sẽ mang nhiệm vụ nặng nề, không đơn giản.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/kien-giai-ve-dinh-gia-sach-giao-khoa-post681113.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/kien-giai-ve-dinh-gia-sach-giao-khoa-post681113.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến giải về định giá sách giáo khoa