Báo cáo đề dẫn, PGS.TS Bùi Thị Lâm – Trưởng Khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – cho biết, hội thảo nhận được 42 bài tham luận của các tác giả đến từ các nước như: Anh, Mỹ, Pháp, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia… và các tác giả trong nước.
Các bài viết xoay quanh những vấn đề khác nhau của giáo dục mầm non đương đại sống động. Các bài viết tập trung vào các chủ đề cốt yếu của hội thảo, gồm:
Nhóm thứ nhất, bàn về sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên và trẻ em. Nhóm thứ hai, đi sâu bàn về đổi mới sáng tạo trong giáo dục mầm non gồm: ngôn ngữ, trò chơi, nghệ thuật, công nghệ…
Nhóm thứ ba là các bài viết về giáo dục mầm non của Việt Nam và các quốc gia đang phát triển: Một thị trường kinh doanh màu mỡ. Nhóm thứ tư, bàn về đổi mới trong đào tạo giáo viên mầm non.
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo. |
Hội thảo khoa học quốc tế “Diễn đàn giáo dục Việt Nam – Vietnam Education Symposium (VES)” được tổ chức thường niên từ năm 2020 với mục đích tạo diễn đàn học thuật và đối thoại chính sách giữa các nhà khoa học, nhà làm chính sách trong và ngoài nước, bàn về các vấn đề quan trọng trong giáo dục.
Hội thảo VES lần thứ ba được tổ chức với sự phối hợp của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Tổ chức các nhà khoa học Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Tổ chức tư vấn giáo dục FAROS dự kiến diễn ra vào tháng 3 năm 2023 với chủ đề về giáo dục mầm non.
Giáo dục Mầm non (GDMN) đã và đang dần chiếm một vị trí nổi bật trong các nghiên cứu toàn cầu và các kế hoạch giáo dục quốc gia. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, với các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, đã chứng kiến những xu hướng mới và cải cách đáng kể trong các chính sách và thực tiễn về GDMN.
Việt Nam, một quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, cũng nằm trong xu hướng này, đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa, phát triển công nghệ và chuyển đổi văn hóa trong ba thập kỷ gần đây. GDMN đã trở thành một thị trường thương mại với cam kết tài chính từ khu vực nhà nước và tư nhân.
Tuy nhiên, GDMN ở Việt Nam là câu chuyện sống động với nhiều quỹ đạo, những làn sóng biến đổi, những thách thức và tiềm năng mà chưa có nhiều nghiên cứu được thực hiện.
Diễn đàn giáo dục Việt Nam năm 2023 hướng tới việc xây dựng một không gian học thuật và đối thoại chính sách dành cho các nhà khoa học, các nhà chính sách, giới thực hành giáo dục mầm non công lập, tư thục của Việt Nam và quốc tế chia sẻ và trao đổi về luật bảo vệ trẻ em, sức khoẻ thể chất và tinh thần cho giáo viên và trẻ nhỏ, đổi mới sáng tạo cho giáo dục mầm non...