Kinh nghiệm xây dựng ngân hàng ngữ liệu Ngữ văn

20/02/2024, 16:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với bộ môn Ngữ văn, ngữ liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần quyết định chất lượng của đề kiểm tra, đề thi môn học.

Lý giải điều này, cô Lê Thị Luyến, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ Văn, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) cho rằng, do yêu cầu bảo mật và đảm bảo tính khách quan, công bằng, người ra đề không thể mang theo tài liệu hoặc ấn định sẵn văn bản ngữ liệu mình sẽ ra đề.

Đề thi lại yêu cầu hết sức nghiêm ngặt các quy định về nội dung tư tưởng, thể loại và nguồn trích dẫn.

Vì thế, cần phải có ngân hàng ngữ liệu có chất lượng, số lượng càng nhiều càng tốt. Ngân hàng ấy đảm bảo đầy đủ tất cả các loại văn bản (văn học, nghị luận, thông tin), các thể loại văn học quy định trong Chương trình ngữ văn 2018.

Vì tầm quan trọng của xây dựng ngân hàng ngữ liệu đối với môn Ngữ văn, cô Lê Thị Luyến cho biết, nhóm Ngữ văn của Trường đã họp, bàn bạc, xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai nhiệm vụ đến giáo viên để xây dựng, tạo lập ngân hàng ngữ liệu của từng thầy cô.

Nhà trường yêu cầu mỗi giáo viên làm 3 đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, 3 đề giữa kì và 3 đề cuối kỳ. Trên cơ sở đó, nhóm chuyên môn có trách nhiệm họp, thẩm định đề và xây dựng ngân hàng đề, kho dữ liệu dùng chung cho cả nhóm.

Tuy nhiên, cô Lê Thị Luyến chia sẻ, quá trình này cũng gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn cơ bản là ngữ liệu để lựa chọn quá phong phú và đa dạng, có rất nhiều nguồn để giáo viên tham khảo từ sách báo, mạng internet, tác phẩm kinh điển đến tác phẩm mới vừa ra mắt.

Chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong xây dựng ngân hàng ngữ liệu Ngữ văn, cô Lê Thị Luyến cho rằng, đầu tiên cần phải bám sát vào bảng đặc tả, ma trận đề trước khi ra đề. Khi ra đề, giáo viên cần chịu khó tìm những ngữ liệu từ nguồn đáng tin cậy.

Lưu ý ngữ liệu lựa chọn cần tương đương với các văn bản trong sách giáo khoa về thể loại, dung lượng… Ngữ liệu cần đảm bảo đánh giá được năng lực, phẩm chất của học sinh.

Giáo viên cần cung cấp phần ghi chú, giải thích, cung cấp thêm những thông tin cần thiết giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn bản. Đặc biệt là ngữ liệu đó phải có độ phân hóa, phù hợp với năng lực của học sinh.

“Điểm mới nhất của yêu cầu và định dạng đề thi trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chủ yếu tập trung vào yêu cầu viết văn nghị luận văn học với ngữ liệu mới (văn bản không có trong các sách giáo khoa).

Đó là một bước tiến lớn trong việc thi, kiểm tra ở môn Ngữ văn nhằm đánh giá theo năng lực, khuyến khích sự sáng tạo, động viên học sinh bày tỏ ý kiến riêng và góp phần khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc, chép văn mẫu”, cô Lê Thị Luyến chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh nghiệm xây dựng ngân hàng ngữ liệu Ngữ văn