Kinh tế khó khăn, nên bán tài sản cho con đi du học hay để lại của cải thì tốt hơn? Đây là lựa chọn của bà mẹ Hà Nội

Hiểu Đan, | 05/01/2024, 15:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đây là bài Toán mà hai vợ chồng chị Liên đã phải bàn và thảo luận với nhau trong nhiều năm từ khi con còn nhỏ.

Ngoài đi làm giờ hành chính 8 tiếng thì chị Liên có công việc thứ 2 là đi dạy, nên có thêm thu nhập để cất đi vào khoản 1 tỷ đầu tư.

"Nhiều người hỏi tại sao mình không cho con học trường tư. Ngày trước làm ở 1 trường song ngữ, do có giảm 80% học phí nên mình cho con học ở đó, vì chi phí tất tật có 5 triệu/tháng. Nhưng đến khi mình chuyển đi không làm ở đó mình cũng cho con nghỉ. Vì mình còn phải cân nhắc giữa tiền đi học ở hiện tại và tiền dự phòng cho tương lai của con.

Không thể nào phung phí, đó là lý do mình tự tìm hiểu và dạy con thay vì gửi con đi học. Mình chỉ cho đi học thêm tối thiểu. Cả hồi tiểu học chỉ học thêm tiếng Anh và lên cấp 2 thì có học thêm Toán và Ngữ văn ở trường, toàn bộ tiếng Anh là mình tự tổ chức lớp cho con hoặc nếu gửi đi học mình cũng phải tìm hiểu để con học ở những nơi rất uy tín", chị Liên chia sẻ.

Chi tiêu gia đình tiết kiệm, hợp lý, không mua sắm đồ linh tinh, tận dụng tối đa đồ được cho, được tặng. Những cái gì cần chi thì chi nên phần tiết kiệm của gia đình chị Liên khá tốt.

Giai đoạn thảo luận và giúp con ra quyết định

1. Thảo luận cùng chồng và ba mẹ (nếu cần) để xin hỗ trợ

Đến năm con học hết lớp 10, lúc đó chị Liên đã chuẩn bị được 1 cái nhà cho gia đình ở và 1 cái nhà là tiền học cho con. Lúc này cũng giống như bao gia đình khác, chị bắt đầu phải bàn bạc với chồng và bố mẹ về việc nên cho con đi du học hay không?

"Những người đàn ông, thường rất thực tế, họ nói rằng nếu chỉ đi học rồi về thì có lẽ là thôi, cũng không nên đi du học. Để thành công trong công việc con người ta cần 3 thứ: Kỹ năng chuyên môn của nghề đó; Kỹ năng khác ngoài chuyên môn; Mối quan hệ xã hội để giúp phục vụ cho công việc.

Do đó, nếu con chỉ có chuyên môn học ở nước ngoài về, thì kỹ năng sống ngoài chuyên môn và mối quan hệ cho công việc sẽ thiệt thòi. Mình có thảo luận với chồng về việc làm thế nào để bù đắp 2 kỹ năng này khi con đi du học. Cách nhanh nhất là con học ngành nghề mà bố mẹ có thể hỗ trợ xây dựng thêm quan hệ cho con mà lĩnh vực đó cũng phù hợp với tính cách của con.

Để có thể thuyết phục được chồng, mình đã phải tìm hiểu từ thị trường lao động, cuộc sống, có các mối quan hệ bàn bè đang ở tại những nơi mà mình định hướng cho con đi du học để hỏi han cũng như có nhiều lý lẽ thuyết phục ông xã hơn. Không chỉ vậy mình còn làm việc với các công ty du học, các luật sư di trú để nắm được thực tế tình hình học tập, làm việc ở tại đất nước đó ra sao.

Mình phải rất cảm ơn sự phản đối và những lý lẽ vô cùng thuyết phục của chồng. Quá trình mình tìm hiểu, thuyết phục được ông xã mình cũng chính là quá trình mình nhìn lại những kỹ năng, kiến thức thực tế của con, năng lực gia đình, nguồn lực hỗ trợ… để đưa ra được những ý kiến phản biện đáng để chồng thay đổi quyết định. Sau khi thuyết phục và được sự đồng ý của chồng thì mình mới bắt đầu trao đổi và làm việc với con", chị Liên chia sẻ.

2. Thảo luận cùng con

Sau khi đã chuẩn bị cho con được kỹ năng sống độc lập, năng lực tự quản lý đời sống cá nhân, học tập, tài chính thì năm lớp 11, chị Liên mới bắt đầu trao đổi với con về mong muốn tương lai để con có thể quyết định.

Chị cũng chia sẻ rất rõ về ưu điểm nhược điểm của việc học tập, phát triển tại Việt Nam thì tiết kiệm được 1 số tiền làm bàn đạp cho con; Ưu nhược điểm của việc học ở nước ngoài cũng như những hạn chế khi tài chính không đủ, con sẽ phải nỗ lực nhiều hơn khi con học trong nước. Sau khi thảo luận chị không ra quyết định thay mà cho con 1 tháng để liên hệ với bạn bè ở các nước định đi học, dạy con cách tìm kiếm thông tin cũng như tự liên hệ các đơn vị tư vấn và tự ra lựa chọn.

Chị luôn quán triệt việc đi học hay ở là quyết định của bản thân con, con phải tự chịu trách nhiệm về nó, còn bố mẹ hỗ trợ tài chính, hỗ trợ cũng cấp thông tin đúng để con ra quyết định. Và sau khi cân nhắc con chị Liên đã tự quyết định là đi du học hay là học và phát triển ở Việt Nam. Đây 100% là quyết định của con chứ không hề là quyết định của bố mẹ. Trong các lựa chọn, chị đưa ra nhiều nước có thể đi du học tại Úc, Mỹ, Châu Âu.

3. Ra quyết định và bắt tay chuẩn bị hồ sơ

Sau khi con ra quyết định chọn đi du học Mỹ hoặc Úc thì lúc này chị Liên mới cùng con và thầy cô của con nhìn lại việc đi du học, đánh giá lại quá trình apply cần gì và hồ sơ của con cơ bản hiện nay có gì, thiếu gì. Lúc đó chị cùng con và thầy cô chuẩn bị nốt các hồ sơ còn thiếu.

Về cơ bản đến hết năm lớp 10 là con chị Liên đã có 60% hồ sơ ngoại khóa và hồ sơ nghề, lớp 11 con học IELTS, SAT, làm nốt 30% hồ sơ nghề và ngoại khóa còn lại. Đầu năm lớp 12 con đã làm đủ tất cả các hồ sơ để apply, con đã lên danh mục các trường đại học mong muốn và có thể apply. Con cũng đã kết thúc quá trình học tại trường để có thể đi thực tập sớm hơn các bạn.

Quá trình apply của con do được chuẩn bị kỹ, sớm nên cũng không quá vất vả như các bạn. Hiện giờ con chị Liên đã có kết quả của tất cả các trường ở Mỹ và Úc mà con nhắm tới. Tháng 12/2023, cả nhà đã lựa chọn xong trường và nơi sẽ học.

Trong thời gian chờ đợi để giữa năm 2024 đi học thì con chị Liên học lái xe, học thêm nghề phụ để chuẩn bị cho quá trình đi học và đi làm tự nuôi bản thân. Chị dạy con thêm về cách tìm hiểu luật pháp nước sẽ đi học, kết bạn với nhóm học sinh tại trường để phối hợp nhiều thứ khác. Từ năm lớp 10 chị đã cho con tập Gym, học về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bản thân để đảm bảo khi đi du học có thể tự lập.

"Với gia đình nhà mình thì quan trọng nhất là sự hiểu biết của chính bố mẹ và con. Dựa trên nền tảng sự hiểu biết thì con là người ra quyết định tương lai của con, bố mẹ hỗ trợ về tài chính và cũng cấp thông tin, cũng như giới thiệu những người có kinh nghiệm du học để hỗ trợ cho quá trình con tự ra quyết định. Cách làm này của mình rất nhàn cho bố mẹ và lại tăng thêm năng lực tự chịu trách nhiệm cho con. Xét cho cùng, tương lai của con phải do con tự quyết định", chị Liên chia sẻ.

Theo Phụ nữ mới
https://phunumoi.net.vn/kinh-te-kho-khan-nen-ban-tai-san-cho-con-di-du-hoc-hay-de-lai-cua-cai-thi-tot-hon-day-la-lua-chon-cua-ba-me-ha-noi-d295264.html
Copy Link
https://phunumoi.net.vn/kinh-te-kho-khan-nen-ban-tai-san-cho-con-di-du-hoc-hay-de-lai-cua-cai-thi-tot-hon-day-la-lua-chon-cua-ba-me-ha-noi-d295264.html
Bài liên quan
Hành trang du học: Trăm nỗi lo
Du học là cánh cửa giúp người trẻ tiếp cận nền giáo dục tiên tiến và những cơ hội mới trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế khó khăn, nên bán tài sản cho con đi du học hay để lại của cải thì tốt hơn? Đây là lựa chọn của bà mẹ Hà Nội