Nền kinh tế số đang bùng nổ, nhưng lực lượng lao động trẻ, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, lại đang đối mặt với khoảng cách kỹ năng ngày càng lớn. Điều này tạo ra những "lỗ hổng" về nhân lực số.
Thực trạng đáng lo ngại này đã được các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra tại tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về hoàn thiện pháp luật trong nền kinh tế số do Trường Đại học Gia Định và Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội tổ chức mới đây.
"Lạc nhịp" với kinh tế số
Đặt ra bài toán về nguồn nhân lực trong bối cảnh nền kinh tế số, PGS.TS Phạm Hữu Nghị, thành viên Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, thẳng thắn chỉ rõ bất cập trong đào tạo.
"Hoạt động đào tạo chưa đáp ứng được nền kinh tế số. Chúng ta phải chuyển đổi rất nhiều nội dung, phương pháp đào tạo để sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc trong nền kinh tế số với những thay đổi ghê gớm", PGS Nghị nhận định.
Ông cũng nêu thực trạng khác khi không ít cán bộ, công chức làm việc trong bộ máy nhà nước vẫn còn gặp khó khăn trong sử dụng những phương tiện điện tử thông thường. Điều này, theo ông, sẽ cản trở sự phát triển của đất nước trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như vũ bão.
Từ những phân tích trên, PGS.TS Phạm Hữu Nghị đề xuất cần thiết phải sửa đổi luật pháp liên quan đến lĩnh vực GD&ĐT, cũng như nhiều lĩnh vực khác, để thích ứng với nền kinh tế số. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng các quy định pháp luật linh hoạt, khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế số và làm rõ, đơn giản hóa các nội dung về nền tảng số để phổ biến đến toàn dân.
Cùng chung quan điểm về sự "lạc nhịp" của nguồn nhân lực, PGS.TS Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ, chỉ ra khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, ông kiến nghị cần xem xét lại cơ cấu nhân sự trong cơ quan nhà nước, đặc biệt ở các vị trí quản lý đất đai - nơi mà theo ông - những vi phạm pháp luật diễn ra khá nhiều trong thời gian qua do thiếu kiến thức chuyên môn về luật.
Ông phân tích, vị trí việc làm trong lĩnh vực này quy định học các ngành về quản lý đất đai, không phải ngành luật. Ngành luật vào cơ quan quản lý đất đai không được xác định là vị trí làm việc đúng.
"Đa số người làm quản lý đất đai nhưng không được học bài bản về pháp luật, chủ yếu tự nguyện đi học thêm. Do đó, ảnh hưởng đến cả hệ thống. Trong khi, nếu muốn làm tốt, người làm quản lý đất đai cần phải nắm rất nhiều luật khác nhau. Đây là điểm cần tháo gỡ", vị trưởng khoa Luật bày tỏ.
Trong bối cảnh phát triển số, PGS.TS Phan Trung Hiền đặc biệt lưu ý tới vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Việc đưa dữ liệu lên nền tảng số đặt ra những thách thức lớn về quản lý và nguy cơ rò rỉ thông tin một cách hệ thống.
NCS.ThS Phạm Thanh Hữu, Tổng giám đốc điều hành kiêm giám đốc pháp chế Công ty cổ phần IVS, chia sẻ thực trạng khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn vẫn còn lớn. Ông nhắc đến sự yếu kém của sinh viên trong việc sử dụng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc.
Dẫn chứng từ ngành công nghệ thông tin và khoa học máy tính, hai ngành được xem là gần gũi nhất với nền tảng số, ông Thanh Hữu cho biết sinh viên tốt nghiệp vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng về kỹ năng thực tế.
Đặc biệt, nhận thức về tầm quan trọng của kỹ năng số và việc ứng dụng công nghệ, AI để nâng cao năng suất và chất lượng công việc vẫn còn rất hạn chế ở cả sinh viên và người đi làm.
"AI đã được triển khai tại công ty tôi 5 năm nay, nhưng chỉ đến khi có yêu cầu bắt buộc nhân viên sử dụng AI trong công việc, mọi người mới thực sự quan tâm. Kết quả cho thấy năng suất đã tăng đến 40%", ông Thanh Hữu tiết lộ.
Từ đó, ông cho rằng ngành giáo dục cần phải tiên phong trong việc thay đổi để trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết.
Ông Hữu cũng chỉ ra một "điểm nghẽn" khác là khoảng cách giữa các chuyên gia pháp lý và kỹ sư AI do sự khác biệt về ngôn ngữ và kiến thức nền tảng. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng các hệ thống AI pháp lý chính xác và đáng tin cậy.
Để giải quyết vấn đề này, ông đề xuất xây dựng một trung tâm nghiên cứu liên ngành luật - trí tuệ nhân tạo, tạo ra một cầu nối giữa nhà nước, doanh nghiệp và giới học thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực pháp lý.
Giải pháp nào để "thu hẹp" khoảng cách kỹ năng số?
Vậy, làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nền kinh tế số. Các trường đại học cần có những giải pháp gì để trang bị cho sinh viên hành trang vững chắc bước vào kỷ nguyên 4.0?
GS.TS Lê Minh Tâm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ rằng xu hướng chủ đạo sắp tới sẽ là đào tạo liên ngành cần được chú trọng
Theo ông, việc đào tạo chuyên môn cần dựa trên một tư duy mới, tích hợp kiến thức chuyên môn với kiến thức số, kinh tế số và nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật.
"Dưới tác động mạnh mẽ của nền kinh tế số, việc đào tạo ngành luật nói riêng và các ngành khác nói chung cần phải đáp ứng những yêu cầu mới. Trong quá trình đào tạo, việc tích hợp giá trị số là vô cùng quan trọng", GS.TS Lê Minh Tâm nhấn mạnh.
Ông chỉ ra, các cơ sở giáo dục cần xây dựng, cập nhật chương trình và thực hiện phương pháp đào tạo kết hợp truyền thống và các yếu tố hiện đại.
PGS.TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, khẳng định rằng trong kỷ nguyên số, các trường đại học phải là những đơn vị tiên phong trong việc thay đổi.
Do đó, việc tích hợp kiến thức và kỹ năng số vào chương trình đào tạo không chỉ là một lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc để sinh viên có thể thích ứng và thành công trong thị trường lao động hiện đại.
Ông cho rằng, các trường đại học cần nhanh chóng xây dựng và triển khai các môn học về chuyển đổi số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ liên quan khác, nhằm trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc và khả năng ứng dụng linh hoạt trong môi trường làm việc số hóa.
"Việc thay đổi đầu tiên là khâu đào tạo nhân lực, đây là điều rất quan trọng. Thời lượng và nội dung của chương trình chuyển đổi số phải đưa vào giảng dạy đại cương cho tất cả sinh viên", ông Cần nhấn mạnh.
Bên cạnh vấn đề đào tạo, hội thảo cũng đi sâu vào vai trò then chốt của việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật để đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.
GS.TS Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Pháp luật và xã hội, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh trong kỷ nguyên chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu và là động lực phát triển đột phá của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ông cho rằng cần xây dựng khung pháp lý toàn diện, đồng bộ, hiện đại, có tính mở, linh hoạt và thích ứng cao, phù hợp với đặc trưng của nền kinh tế số, trong đó dữ liệu, hạ tầng số và công nghệ số là yếu tố sản xuất then chốt.