Vừa ru con, vừa chữa bài
Vinh dự và tự hào khi lần đầu tiên xuất quân ở kỳ thi học giỏi quốc gia nhưng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội) và đã đoạt 3 giải Nhì, 1 giải Ba ở bộ môn Ngữ văn và Lịch sử. Là người trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn, cô Phạm Hải Linh chia sẻ: Để đạt được thành tích trên, cô – trò đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cô - trò phải dạy – học trực tuyến suốt thời gian dài (từ tháng 8/2021 đến cuối tháng 2/2022). Khó khăn nhất là thời điểm cô – trò đều bị Covid-19. “Thời điểm đó, chúng tôi đều quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, ôn thi thật tốt và không bỏ lỡ buổi học nào. Có những hôm chúng tôi chữa bài đến 23 - 24 giờ. Nhiều đêm, tôi vừa ru con ngủ, vừa cùng học trò chữa bài để các em không bị lỡ nhịp”, cô Linh bộc bạch.
Khi dịch bệnh ổn định, cô - trò được dạy học trực tiếp. Cô Linh đã sắp xếp, bố trí thời gian để học sinh đến nhà riêng ôn tập. Thương học trò ở xa và muốn bảo vệ sức khoẻ cho các em nên nhiều lần cô Linh một mình bắt xe xuống Hải Phòng đến nhà học sinh để cùng các em ôn tập, chữa bài. “Sau bao nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, chúng tôi có được kết quả đáng khích lệ ngay ở lần đầu xuất quân. Các em đã vượt lên chính mình để khẳng định bản thân và viết tiếp những trang sử vàng cho nhà trường”, cô Linh tự hào nói.
Thầy Trần Quang Vinh - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu), người trực tiếp bồi dưỡng học sinh Nguyễn Văn Duy đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán cho hay: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên cả giáo viên và đội tuyển học sinh giỏi liên tục phải thay đổi hình thức học từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại. Các em phải thích nghi hình thức tự học, tự trao đổi trên nền tảng số.
Theo thầy Vinh, Toán có nhiều phân môn, có học sinh mạnh về phần này và chưa mạnh về phần khác. Có những buổi học còn chưa đồng đều nên gây khó khăn cho giáo viên và học sinh. “Tôi thường tổ chức những buổi sinh hoạt nhóm. Bạn nào học tốt phần nào sẽ hỗ trợ cho các bạn khác. Mọi người sẽ đặt câu hỏi chất vấn, cùng nhau trao đổi và chấm chéo lẫn nhau. Qua đó, phát huy năng lực sở trường của từng học sinh”, thầy Vinh chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của thầy Vinh, một trong những vấn đề quan trọng là giáo viên phát hiện được học sinh có năng khiếu. Từ những ngày học sinh mới vào trường, giáo viên thường đặt câu hỏi không có trong sách vở. Qua đó phát hiện khả năng tư duy và chọn lọc những em có tố chất tốt. Việc tiếp theo là “truyền lửa” để các em đam mê, hứng thú và phát huy sáng tạo trong học tập. Học toán không thể học tủ, học vẹt mà phải biết “tuỳ nghi” để xử lý những vấn đề mới lạ, phát hiện vấn đề và học cách thức giải quyết. Khi học sinh có niềm đam mê, biết cách tự học, tự sáng tạo thì thành công sẽ tìm đến với các em.