Trưa 30/4/1975, người lính đặc công Phạm Duy Đô chạy lên tầng 2 Dinh Độc Lập, liên tục phất cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam báo hiệu an toàn để quân ta tiếp tục tiến vào.
50 năm đất nước thống nhất, đứng giữa Dinh Độc Lập vào một ngày tháng 4 lịch sử, thượng úy Phạm Duy Đô (75 tuổi) - người lính đặc công phất cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - nói cảm xúc hồi hộp "như đón chờ một điều gì đó".
Cựu chiến binh vóc dáng nhỏ bé, lưng gù, từng là chiến sĩ đặc công thiện chiến cao 1,7 m vốn được mệnh danh là "huyền thoại sông nước". Ông nhớ lại khoảnh khắc 11 giờ 30 phút của ngày 30/4/1975, về những đồng đội đã hy sinh "để cho mình được sống".
"Được sống để trở về là niềm vinh dự. Song, nỗi day dứt nhất của tôi là những đồng đội đã ngã xuống", ông nghẹn ngào.
Năm 19 tuổi, chàng trai Phạm Duy Đô lên đường nhập ngũ, được tuyển chọn vào Binh chủng Đặc công nhờ tài bơi lội, huấn luyện tại đơn vị đặc công nước ở Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Năm 1972, ông theo đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam. Tháng 10/1973, trên cương vị Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 119, Trung đoàn 116, Sư đoàn đặc công miền Đông Nam bộ, ông chỉ huy đơn vị đánh chiếm Chiến đoàn 43 của địch đóng tại Biên Hòa.
Trong trận đánh ác liệt, 2 đồng đội hy sinh, còn người chỉ huy bị đạn găm vào hai bên đùi, cây đè gãy cột sống, bất tỉnh. Sau vài tháng điều trị, vết thương lành nhưng xương sống nổi cục như bị gù.
"Đô Gù là đây", ông nói về biệt danh của mình.
Những ngày cuối cùng của tháng 4/1975, đơn vị của ông Đô nhận lệnh tấn công tổng kho Long Bình, chiếm và giữ cầu xa lộ Biên Hòa. Sau đó, họ thực hiện nhiệm vụ khó khăn hơn - chiếm giữ và bảo vệ cầu Đồng Nai, một trong 14 cửa ngõ dẫn thẳng vào Sài Gòn, đợi đến khi đại quân ta tiến vào.
Thời điểm này, địch bắt đầu tính đến kế hoạch cuối cùng là phá hủy cầu nếu không ngăn chặn bước tiến của quân ta. Chúng gài 7 quả bom tấn, sẵn sàng kích nổ khi không thể giữ được cầu.
Chiến sĩ Phạm Duy Đô nhận nhiệm vụ phá trạm điện của địch với mục tiêu cắt đứt kíp nổ xa của bom đang ém ở chân cầu. Rạng sáng 28/4/1975, ông mang theo súng, cùng quả bộc phá 5 kg đặt lên một chiếc phao, buộc vào lưng rồi bí mật bơi sang bờ bên kia.
"Người nhái" lặng lẽ bơi suốt hơn 1 km không để lại động tĩnh, không khiến quân địch mảy may nghi ngờ. Lên tới bờ, ông phá thành công trạm điện trong sự ngỡ ngàng của quân địch.
Sáng 30/4/1975, xe tăng của Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 thuộc Quân đoàn 2 đã đến cầu Đồng Nai. Trong khi Bộ binh chưa theo kịp tốc độ hành tiến, Trung đoàn 116 quyết định để lại một tiểu đoàn đặc công nước giữ cầu, còn lại tổ chức lực lượng theo xe tăng tiến vào giải phóng miền Nam.
Lúc đó, cán bộ chỉ huy cánh đông hỏi: "Các đồng chí đặc công có ai biết đường vào Dinh Độc Lập không?". Trung đoàn Trưởng Võ Tấn Sỹ báo cáo có đồng chí Phạm Duy Đô - Đại đội trưởng đội 1 từng nhận nhiệm vụ bí mật nghiên cứu toàn bộ Dinh Độc Lập và tất cả mục tiêu lân cận ở Sài Gòn.
Đơn vị đặc công phối hợp với Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, chiến sĩ Phạm Duy Đô ngồi cùng Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận. Hơn 11 giờ ngày 30/4/1975, đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc Lập.
Con đường xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập không hề thuận lợi bởi lúc đó địch còn ngoan cố, tấn công đáp trả từ các lô cốt. Trên đường, kẻ thù xếp các bao cát theo hình chữ "Z" để cản bước tiến công của quân giải phóng.
Sau khi xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, chiến sĩ Phạm Duy Đô cùng các đồng đội nhảy xuống, cầm súng AK đi lùng soát các phòng, phát hiện toàn bộ nội các ngụy quyền đang ngồi quanh chiếc bàn bầu dục trong phòng chính phủ.
Chiến sĩ Phạm Huy Đô chĩa súng AK hô to: "Các ông đã bị bao vây. Các ông bỏ súng, đứng dậy đầu hàng, không ai được nhúc nhích". Sau đó, ông giao cho chiến sĩ Phạm Huy Nghệ đứng bảo vệ: "Đồng chí đứng gác ở đây. Nội bất xuất, ngoại bất nhập", rồi chạy lên ban công tầng 2 của Dinh Độc Lập. Ông nhìn thấy một chiếc cán, nên lấy cờ trong túi ra, gài lên, phất cờ liên tục báo hiệu an toàn để quân ta tiếp tục tiến vào.
"Thời khắc đó, đứng trên tầng 2 Dinh Độc Lập phất cờ thông báo an toàn, lòng tôi phấn chấn, hào hứng, không thể diễn tả nổi cảm xúc", cựu chiến binh nhớ lại.
Xuống dưới, ông Đô gặp một đồng chí cán bộ, liền báo cáo thủ trưởng: "Tôi - Đại đội trưởng Phạm Duy Đô - đơn vị đặc công đã hoàn thành nhiệm vụ".
Đúng 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Sau giải phóng, người lính Phạm Duy Đô được cử về tiếp quản quận Thủ Đức, rồi được điều về đảm nhiệm công tác huấn luyện chiến sĩ mới tại Quân khu 7. Năm 1983, ông xin giải ngũ, về quê Thái Bình lập gia đình, tình nguyện làm bảo vệ cho một hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cho đến nay.
50 năm đất nước thống nhất, người lính đặc công từng cao tới 1,7 m, nay lưng đã gù, dáng người nhỏ in hằn những vết thương chiến tranh. Điều duy nhất không đổi là ánh mắt sắc bén và giọng nói đanh thép.
"May mắn nhất trong cuộc đời tôi là được chứng kiến và trực tiếp tham gia chiến trường trong giờ khắc linh thiêng nhất của cả dân tộc. Để giờ đây gặp lại các đồng đội giữa Dinh Độc Lập, tôi như được sống lại những ngày tháng 4 lịch sử của 50 năm về trước", ông nói.