Kỷ yếu của Hội thảo “Giải tích trừu tượng và ứng dụng” được phát hành bởi Nhà xuất bản World Scientific, Singapore. Sự nghiệp của thầy ghi nhận trên 80 công trình nghiên cứu, trong đó có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành số một của Nga, Mĩ, Pháp như Doklady Akademii Nauk, Uspekhi Matematicheskikh Nauk, Proceedings of the American Mathematical Society, Fractional Calculus and Applied Analysis, Comptes Rendus de l’Acaddémie des Sciences, …
Mới đây, ở tuổi 90, thầy có cuốn sách giá trị “Pseudodifferential Operators and Wavelets over Real and p – Adic Filds”, được Nhà xuất bản có tiếng Springer phát hành năm 2018 và có nhiều công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí SCI-E, Scopus.
Lý giải về sức làm việc và mối quan tâm cho sự phát triển khoa học công nghệ đất nước và cống hiến của thầy Chương, PGS. TS Trần Đình Kế, Trưởng Bộ môn Toán Giải tích - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, học trò của thầy cho biết: “Nguồn năng lượng giúp thầy có thể làm nghiên cứu đến những năm 90 tuổi có lẽ xuất phát từ niềm đam mê với Toán học. Những dịp trò chuyện cùng thầy, tôi cảm nhận rõ sự lo lắng của thầy đối với tương lai của nền khoa học và công nghệ nước nhà. Thầy muốn chúng tôi, những học trò của thầy, giữ được niềm đam mê khoa học giữa những bộn bề khó khăn của cuộc sống hiện tại”.
Còn với PGS. TS Khuất Văn Ninh, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2: “Thầy Nguyễn Minh Chương là một nhà khoa học lớn, là một chuyên gia về chuyên ngành đạo hàm riêng và giải tích. Điều đó được khẳng định qua số lượng công bố quốc tế trên một số tạp chí uy tín ở các nước phát triển, qua hai hội thảo quốc tế mà thầy chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà khoa học lớn.
Thầy là một tấm gương về cống hiến cuộc đời cho khoa học. Thầy thường yêu cầu nghiên cứu sinh phấn đấu để có các kết quả nghiên cứu đạt chất lượng cao. Thầy luôn quan tâm đến giáo dục đại học. Nhiều giảng viên từ các trường đại học sư phạm được thầy hướng dẫn đã nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Các học trò luôn được học tập ở thầy về đức độ và tinh thần nghiên cứu khoa học”.