Cần sự đồng bộ về chính sách
Theo cô giáo Chu Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Yên (huyện Điện Biên), sự thiếu hụt nhân lực là nguyên nhân chính khiến cho giáo viên mầm non vùng khó càng thêm vất vả. Trên thực tế, trách nhiệm, khối lượng công việc của giáo viên mầm non phải đảm nhiệm hàng ngày rất lớn.
“Nhiều giáo viên phải mang việc trường về nhà, làm thêm giờ, dạy tất cả các môn học bao gồm: Thể dục, âm nhạc và môn đặc thù... Trong khi đó, hiện tại thang bậc lương của giáo viên mầm non lại thấp nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân”, cô Yến cho hay.
Với thực tế này, cô Yến kỳ vọng Đề án mới sẽ có sự quan tâm đồng bộ hơn, đặc biệt là về chính sách đối với giáo viên. “Chúng tôi kiến nghị xem xét lại định mức biên chế giáo viên và các vị trí việc làm trong trường mầm non để đảm bảo thời giờ làm việc cho giáo viên theo quy định. Đồng thời sửa đổi thang bậc lương bằng với giáo viên tiểu học. Có chế độ hỗ trợ dạy thêm giờ, giảm độ tuổi về hưu xuống còn 55 tuổi”, cô Yến nói.
Thực tế những năm qua, để phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, nhiều chính sách đã thực hiện, như: Trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi được hỗ trợ ăn trưa; miễn, giảm học phí cho trẻ 5 tuổi; ưu tiên trong tuyển sinh; chính sách đối với đội ngũ; chính sách đầu tư, phát triển, xã hội hóa...
Những chính sách đồng bộ, nhất là về chế độ đối với giáo viên và học sinh được kỳ vọng là cơ sở pháp lý để giáo dục mầm non vùng khó tiếp tục phát triển. |
Nhờ đó, trong giai đoạn 2015 - 2021, tỷ lệ huy động trẻ ra học tại các cơ sở giáo dục mầm non ở Điện Biên tăng nhanh. Trong đó, độ tuổi nhà trẻ đạt 45,2%, mẫu giáo 99,6%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,9%. So với mục tiêu cụ thể của Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025 thì tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp vượt 10,2%, trẻ mẫu giáo vượt 4,6%.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Giáo dục Điện Biên, so với nhu cầu thực tiễn vẫn chưa đáp ứng, do sự thiếu cụ thể, đồng bộ từ điều kiện và chính sách. Có thể kể đến như: Chế độ chính sách khuyến khích giáo viên vùng khó khăn chưa được thực hiện triệt để; thiếu biên chế cho giáo dục ở địa phương; một số chính sách chưa theo kịp yêu cầu thực tế; hiệu quả thực của một số chính sách chưa cao, chưa huy động được sự tham gia của toàn xã hội…
Bởi vậy, ngành kỳ vọng đề án hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó sẽ đồng bộ về chính sách và nguồn lực, giúp địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai. Đặc biệt là ưu tiên nguồn ngân sách để quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà công vụ cho giáo viên vùng khó.
Ngoài ra, sẽ có sự quan tâm cụ thể về chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ vùng đặc biệt khó khăn và nâng mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo. Đi cùng với đó là chính sách hỗ trợ trực trưa cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; giáo viên mầm non dạy ở lớp mẫu giáo ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số…
“Đây là những cơ sở pháp lý để giáo dục mầm non vùng khó tiếp tục phát triển. Từ đó thu hẹp dần khoảng cách so với vùng có điều kiện thuận lợi”, bà Lò Thị Thời, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên nói.