Việc xem xét để các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ và Quốc hội nhằm khắc phục điểm nghẽn, khó khăn, giúp giải phóng nguồn lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quốc hội đang xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, tại Kỳ họp thứ 7, theo hướng cho phép có hiệu lực sớm hơn 5 tháng.
Sớm đưa các quy định mới, đột phá vào thực thi
Đại biểu Dương Khắc Mai – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách mới của Đảng, khắc phục những tồn tại, bất cập của các luật trước đây, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, đột phá, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường nhà ở, bất động sản, được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Vì vậy, việc điều chỉnh hiệu lực sớm của các luật sẽ đảm bảo sớm đưa các quy định mới, đột phá, có lợi cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vào thực thi áp dụng trong thực tiễn. “Bác Hồ dạy “cái gì có lợi cho nhân dân phải hết sức làm”, ông Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Dẫn chứng điểm mới quan trọng, đại biểu cho Luật Đất đai quy định cụ thể về các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất, các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, các trường hợp giao đất cho thuê thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, các trường hợp giao đất cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất,...
Quy định như vậy sẽ cơ bản khắc phục được những hạn chế trong hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm có cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch để cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ được giao cho thuê đất.
Do đó, nếu các quy định trên có hiệu lực hơn thì địa phương sẽ có căn cứ để triển khai thực hiện mà không nhất thiết chờ đến ngày ngày 1/1/2025, đặc biệt là đối với các dự án mới có sử dụng đất.
Hay Luật Đất đai phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh… Các quy định này có hiệu lực sớm hơn thì rút ngắn thời gian chuẩn bị các dự án.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc sớm ban hành Luật Đất đai rất có lợi cho người sử dụng đất.
Ông dẫn việc cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa kèm theo các điều kiện về bảo toàn diện tích đất nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn hiện nay.
Luật Đất đai có hiệu lực cho phép doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa lên tới hàng chục hecta đã tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ chế cho thuê đất nông nghiệp thuận tiện cho người có nhu cầu sử dụng đất dùng sản xuất nông nghiệp và nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo kế hoạch được sử dụng đất kết hợp vào nhiều mục đích khác nhau, làm tăng hiệu quả sử dụng đất.
Ngoài ra, ông Nguyễn Tuấn Anh nhận định, thị trường bất động sản cũng đang kỳ vọng sự “phá băng” khi Luật Đất đai sớm có hiệu lực.
Luật Đất đai có rất nhiều nội dung mới về quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, về tài chính, đất đai, giá đất đã góp phần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án có liên quan đến sử dụng đất đai.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chờ đợi luật có hiệu lực để có thể chuyển sang thuê đất trả tiền thuê hằng năm, giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời gian đầu triển khai dự án. Từ đó, giá bán đất, bất động sản cũng có cơ hội được điều chỉnh về mức hợp lý hơn.
Kỳ vọng tạo được động lực cho phát triển kinh tế - xã hội
“Tôi thấy nếu thông qua được thì rất tốt, chắc chắn như thế. Bởi vì, hiện nay chúng ta đều biết các doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu bất động sản không được khơi thông cũng giống như dòng máu của nền kinh tế sẽ bị tắc nghẽn và để càng lâu càng ảnh hưởng đến nền kinh tế” – Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu quan điểm.
Ông cho rằng, nếu 4 luật này hiệu lực sớm có thể sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm, thậm chí có thể còn vượt cả kế hoạch Quốc hội giao.
“Tôi vừa nghe một cử tri phản ánh có doanh nghiệp FDI bây giờ người ta muốn mở rộng sản xuất, nhưng không mở rộng được bởi vì vướng quy định và địa phương không dám ký. Các doanh nghiệp lớn có kế hoạch vốn bố trí, nếu chậm trễ có thể người ta phải tái cơ cấu và chuyển vốn. Cho nên, ban hành luật này càng sớm càng tốt” – ông Nguyễn Quang Huân nói.
Điều vị đại biểu băn khoăn là Chính phủ cần khẩn trương ban hành các nghị định hướng dẫn, đồng thời cần tổ chức tập huấn để hỗ trợ các địa phương cùng hoàn thiện các hướng dẫn thuộc thẩm quyền được giao. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên dự trù các rủi ro có thể nảy sinh để có hướng xử lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh các luật trên rất quan trọng, gắn kết chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cũng như phát triển thị trường bất động sản.
Nội dung các luật đã được Quốc hội thông qua và cho thấy đã có nhiều điểm mới, khắc phục được nhiều vấn đề tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện và có nhiều quy định mang tính đột phá, góp phần ổn định chính trị, an ninh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp cũng như minh bạch trong việc tiếp cận đất đai, quản lý thị trường bất động sản, nhà ở được dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo được động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
“Qua ý kiến thảo luận và từ góc độ quản lý ở địa phương, tôi rất ủng hộ với tờ trình và đề xuất của Chính phủ là cho phép các luật trên có hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với nghị quyết của Quốc hội” – nữ đại biểu bày tỏ ủng hộ.