Việc lãi tiết kiệm giảm đã giúp lãi suất cho vay mới của nhiều ngân hàng đã giảm đáng kể những tháng gần đây. Theo đó, mức giảm trung bình đối với các khoản cho vay mới khoảng 1-1,5%. Hiện nay mức lãi suất cho vay bình quân với khoản cho vay ngắn hạn khoảng 5,5-7%/năm; cho vay trung dài hạn khoảng 8,5-10%/năm.
Cùng với việc các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm và giảm lãi suất cho vay trong những tháng gần đây, xu hướng mang tiền gửi tiết kiệm của người dân cũng đang có dấu hiệu chậm lại.
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết trong tháng 7/2023, lượng tiền nhàn rỗi được người dân mang gửi tiết kiệm chỉ tăng thêm 6.707 tỷ đồng đạt 6,389 triệu tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 35.341 tỷ đồng của tháng 6. Trước đó, lượng tiền gửi tiết kiệm tăng thêm của hệ thống ngân hàng từ khu vực dân cư trong tháng 5 cũng chỉ là 14.702 tỷ đồng. Trong khi đó, tháng 4, người dân mang thêm 52.028 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi.
Thống kê cũng cho thấy, sau 3 tháng đầu năm với mỗi tháng có thêm từ hơn 100 nghìn tỷ đồng đến hơn 177 nghìn tỷ đồng được người dân mang gửi tiết kiệm, kể từ tháng 4/2024 xu hướng tiền nhàn rỗi của người dân chảy vào kênh gửi tiết kiệm ngân hàng đã giảm mạnh. Dù vậy, so với cuối năm 2022, lượng tiền nhàn rỗi được người dân mang gửi tiết kiệm sau 9 tháng vẫn tăng thêm 523.836 tỷ đồng, tương đương mức tăng 8,93%.
Việc người dân không còn ùn ùn mang tiền gửi tiết kiệm được kỳ vọng dòng tiền sẽ chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác như BĐS, chứng khoán, vàng và đi vào sản xuất. Chia sẻ với báo chí, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cũng nhận định, từ nay đến cuối năm sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Thay vào đó sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm.