Phân khúc nhà ở thấp tầng cũng ghi nhận mức giá tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong tháng 9, một dự án sát Vành đai 4 tại quận Hà Đông bắt đầu nhận booking giỏ hàng hơn trăm căn biệt thự với giá bán từ 160 triệu đồng mỗi m2. Tương tự, phân khu nhà phố của khu đô thị gần đường Nguyễn Xiển, sát Vành đai 3 cũng vừa mở bán trong quý II vừa qua. Một căn shophouse vị trí góc được rao bán 250 triệu đồng/m2, tính ra cả căn 125 m2 giá hơn 31 tỷ đồng.
Báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cũng cho thấy, giá bán sơ cấp nhà thấp tầng tiếp đà tăng. Savills chỉ ra, trong quý III, giá biệt thự tăng 3% lên 103 triệu đồng mỗi m2, còn shophouse tiếp đà tăng 6%. Dữ liệu của JLL cũng cho thấy thị trường nhà liền thổ tăng giá gần 7% theo năm, giá rao bán ban đầu ở mức cao.
BĐS nghỉ dưỡng, du lịch vẫn chịu nhiều sức ép
Trái ngược với sự ấm lên của phân khúc đất nền, chung cư và nhà thấp tầng phục vụ nhu cầu ở thực, thời gian gần đây, vẫn có không ít căn biệt thự ven biển, condotel tại nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng được rao bán cắt lỗ sâu từ hàng trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Nhiều tháng qua, chị Thu Thủy (Hà Nội) chật vật tìm kiếm khách để bán 2 căn biệt thự tại một khu đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nhưng bất thành. Chị Thủy cho biết, dù đã đăng thông tin rao bán qua nhiều trang mua bán bất động sản với mức giá “mềm” so với thị trường khá nhiều, tuy nhiên hầu như không có khách quan tâm.
“Công việc kinh doanh vốn đã khó khăn, bất đắc dĩ tôi phải rao bán lỗ 2 căn biệt thự để trả bớt một phần từ khoản vay ngân hàng, nhưng thị trường thời điểm này hầu như không có giao dịch, đặc biệt là phân khúc BĐS cao cấp” – chị Thủy chia sẻ.
Sẵn xe ô tô, anh Hóa (Hà Đông, Hà Nội) – môi giới BĐS chuyên phân khúc biệt thự, nhà liền kề cho hay, từ cuối năm 2022 anh đã đăng ký ứng dụng nhận làm tài xế chạy xe dịch vụ. Làm công việc này, thu nhập tuy không cao nhưng khá đều và cũng không quá vất vả.
“Từ cuối năm ngoái khi thị trường BĐS trầm lắng, KPI bán hàng nhiều tháng không đạt nên tôi xin nghỉ việc tại công ty. Không có thu nhập cũng không có việc làm, tôi quyết định lái xe công nghệ. Trừ chi phí xăng xe và lãi ngân hàng, thu nhập mỗi tháng từ công việc này cũng đủ để tôi trang trải sinh hoạt gia đình. Lâu lắm rồi tôi không có khách giao dịch. Nhà đầu tư BĐS sẵn tiền mặt cũng có, nhưng dường như họ còn tâm lý chờ đợi mức đáy mới từ thị trường” – anh Hóa nói.
Khảo sát từ các trang rao bán nhà đất cho thấy thông tin rao bán cắt lỗ biệt thự, căn hộ khách sạn (condotel) tại một số địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Ninh... vẫn diễn ra dày đặc.
Cụ thể, các căn biệt thự tại phường Bãi Cháy (Hạ Long) từng được niêm yết với mức giá cao từ 29 - 32 tỷ đồng/căn trong thời kỳ sốt nóng. Tuy nhiên, giá hiện tại đã giảm xuống khoảng 22 - 25 tỷ đồng/căn, dù vậy vẫn chưa có khách giao dịch.
Ngoài những căn biệt thự giá "khủng", nhiều căn condotel ở một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng được rao bán cắt lỗ rầm rộ. Đơn cử, tại khách sạn nghỉ dưỡng FLC Grand Hotel Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều căn condotel được rao cắt lỗ 500-600 triệu đồng.
Nhiều người đang phải rao bán cắt lỗ khoản đầu tư của mình - Ảnh chụp màn hình
Tình trạng cắt lỗ cũng đang diễn ra tại thị trường biệt thự nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. Tại Gành Dầu, một số biệt thự từng được giao dịch với mức giá 19 - 20 tỷ đồng cách đây 7 năm, nhưng hiện chủ nhà đang rao bán với giá chỉ từ 13 - 15 tỷ đồng/căn.
Tại Nha Trang (Khánh Hòa), nhiều biệt thự hiện đang được rao bán với mức giá từ 16 – 18 tỷ đồng/căn, giảm so với mức giá từng được rao bán năm 2021 (khoảng 20 – 23 tỷ đồng/căn). Trong phân khúc condotel tại Nha Trang, ghi nhận mức cắt lỗ trung bình từ 100 - 300 triệu đồng/căn.
Theo các môi giới bất động sản, thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang gặp khó khăn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là bởi sự chững lại của thị trường bất động sản cùng mức thu nhập của người dân giảm sút, giá vé máy bay cao đã khiến ngành du lịch bị suy thoái và tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn không còn như trước đây.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng là do phân khúc này đang dư thừa nguồn cung trong khi mức độ quan tâm của giới đầu tư giảm mạnh. Báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam cũng cho thấy, lũy kế đến tháng 6, lượng hàng tồn kho condotel đã tăng vọt lên hơn 42.000 căn còn shophouse biển và biệt thự nghỉ dưỡng cộng lại khoảng 30.000 căn.
Trong khi đó sức mua lại kém, điển hình như, trong tháng 8 phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng chỉ bán được 3 căn, biệt thự nghỉ dưỡng chỉ bán được 9 căn, condotel bán được 17 căn. Phần lớn giao dịch trong tháng tập trung chủ yếu ở những sản phẩm có mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn.
Thị trường BĐS diễn biến thế nào những tháng cuối năm?
Theo dự báo của một số chuyên gia trong ngành, thị trường bất động sản đã đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái, và hiện nay thị trường gần như đã chạm đáy. Dự báo tại thời điểm cuối năm, thị trường bất động sản sẽ chưa có tăng trưởng đột biến, nhưng chắc chắn sẽ có tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ quý 4/2022. Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Tiếp thị nhà ở, CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS đang ở thời điểm “shopping time”, tức là dịp tốt để mua bằng tiền mặt.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cuối năm 2023 là thời điểm hợp lý cho nhà đầu tư và người mua BĐS để ở cân nhắc xuống tiền. Khi dòng tiền tiết kiệm lên đến hàng nghìn tỷ đồng dự kiến đáo hạn vào Quý IV năm 2023 – cũng chính là thời điểm mà các áp lực đè nén thị trường dần được tháo gỡ, nền giá BĐS chắc chắn sẽ có xu hướng tăng.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tại thời điểm này, thị trường đã có những chuyển biến tốt hơn. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, quý I nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng, gần như đứng im, giao dịch chỉ có hơn 1.000 thì sang quý II đã có sự chào bán trở lại, với khoảng 3.700 giao dịch thành công. Sang đến quý III, trong hai tháng đầu quý đã có hơn 5.000 giao dịch thành công và 300 dự án trên toàn quốc đã ra hàng mở bán.
Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng tại thời điểm này, thị trường BĐS đã có những chuyển biến tốt hơn
"Nếu quý I năm nay, chủ đầu tư chưa sẵn sàng đưa hàng ra bán thì quý III do niềm tin có dấu hiệu tăng lên nên giao dịch tăng và nguồn hàng tăng hơn. Chúng tôi dự đoán quý IV năm nay là thời điểm bắt đầu phục hồi", Chủ tịch VARS nhấn mạnh.
Để khơi thông dòng chảy cho thị trường bất động sản đã có nhiều giải pháp được đưa ra trong đó tập trung giải quyết hai nút thắt về pháp lý và về dòng vốn. Thời gian qua, nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp bất động sản trên cả nước được triển khai với kết quả tích cực. Trong đó, Hà Nội đã giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% số lượng dự án gặp khó khăn. TPHCM tháo gỡ được 67 dự án tương đương 37,2% số lượng dự án có vướng mắc.
Các địa phương khác cũng đang đốc thúc giải quyết, gỡ khó cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy thị trường phát triển trong thời gian tới cùng kỳ vọng gia tăng nguồn cung.
Tương tự, bà Giang Huỳnh, Trưởng phòng nghiên cứu Savills Tp.HCM, thị trường bất động sản hiện đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Mặc dù vẫn còn những thách thức liên quan đến niềm tin, thanh khoản nhưng dự báo đang trong giai đoạn phục hồi đi lên. Cả người bán và người mua đã tự tin trở lại thị trường sau khoảng thời gian dài nghe ngóng và e dè. Một số dự án bung thị trường thời gian gần đây có giao dịch là một minh chứng.
Hồng Hương – Trung Kiên