Xe và đời sống

Lái xe phải khám lại sức khỏe sau khi bệnh?

Theo NGỌC DUNG - VĂN DUẨN 01/09/2024 12:28

Đề xuất người lái xe phải khám sức khỏe lại sau điều trị bệnh, tai nạn được đánh giá không cần thiết, có thể gây phiền hà.

Bộ Y tế đang soạn dự thảo Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 24/2015 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe; việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái ô tô. Dự thảo sẽ lấy ý kiến đến ngày 22-10-2024.

Bệnh gì sẽ không được lái xe?

Trong dự thảo thông tư, Bộ Y tế đề xuất quy định người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn.

Cụ thể, Bộ Y tế đưa ra bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, mỗi hạng xe sẽ có quy định khác nhau. Trong đó, với người lái xe thuộc nhóm 1 (hạng A1, B1), nhóm 2 (hạng B), nhóm 3 (hạng A, C1, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, DE) sẽ phải thăm khám tại 9 chuyên khoa: Tâm thần; thần kinh; mắt; tai - mũi - họng; tim mạch; hô hấp; cơ - xương - khớp; nội tiết; việc sử dụng thuốc, chất có cồn, ma túy và các chất hướng thần. Người có một trong các tình trạng bệnh, tật quy định trong từng nhóm ở phụ lục này sẽ không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng.

Ví dụ, người mắc các bệnh như rối loạn tâm thần cấp sẽ không được lái xe hạng A1, B1; bị rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 6 tháng sẽ không được lái xe hạng B. Những người lái xe thuộc nhóm 1, 2 nếu mắc các bệnh như rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; liệt vận động từ hai chi trở lên; rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh lá cây); cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng)… sẽ không đủ điều kiện lái xe.

Đối với hạng lái xe thuộc nhóm 3, những người bị rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng; liệt vận động một chi trở lên; chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý, tật khúc xạ (> + 5 diop hoặc > - 8 diop); song thị; ghép tim; hen phế quản kiểm soát một phần hoặc không kiểm soát; rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản; cụt hoặc mất chức năng 2 ngón tay của 1 bàn tay trở lên hoặc cụt hoặc mất chức năng 1 bàn chân trở lên… sẽ không được lái xe.

Lái xe phải khám lại sức khỏe sau khi bệnh?- Ảnh 1.
Quy định người lái xe phải khám sức khỏe lại sau khi điều trị bệnh, tai nạn cần được đánh giá tác động, tính khả thi để không gây tốn kém, phiền toái cho dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phiền toái, gây tốn kém

Anh Nguyễn Văn Điền, một tài xế xe tải ở Hà Nội, cho rằng quy định như dự thảo thông tư là chưa hợp lý và không chặt chẽ. "Bị bệnh mức độ nào, bị tai nạn mức độ nào thì phải chủ động khám lại sức khỏe? Chẳng lẽ tôi bị cảm cúm, ho sốt hay bị tai nạn xay xát nhẹ chân, tay cũng phải đi khám lại hay sao?" - anh Điền thắc mắc.

Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP HCM, quy định hiện hành bắt buộc người hành nghề lái xe phải kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Do vậy, dự thảo thông tư yêu cầu sau khi điều trị bệnh, tai nạn, người lái xe phải đi khám sức khỏe lại, khi đến kỳ khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần lại không cần thiết. "Việc này có thể gây tốn kém cho người dân" - ông Tính nhận định.

Sẽ làm rõ hơn các quy định

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thừa nhận đề xuất "người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn" chưa rõ ràng. Ban soạn thảo dự thảo thông tư sẽ làm rõ hơn đối với bệnh lý nào và tai nạn gây ảnh hưởng như thế nào đến việc lái xe thì người dân cần chủ động khám sức khỏe.

"Ví dụ sau khi được cấp giấy phép lái xe gắn máy rồi nhưng bị rối loạn tâm thần cấp, liệt vận động từ hai chi trở lên... thì không còn đủ điều kiện về sức khỏe để lái xe nữa, cần được khám sức khỏe lại" - ông Dương phân tích.

Ông TRẦN CHÍ TRUNG, chủ doanh nghiệp vận tải ở quận 12, TP HCM:

Không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

Khi thuê tài xế, hơn ai hết, người quản lý phải chọn lựa người đủ sức khỏe và bảo đảm các quy định thăm khám định kỳ. Trường hợp tài xế bị bệnh, có chỉ định của bác sĩ cần nghỉ ngơi, không được làm việc thì đương nhiên chúng tôi không dám ép vì nếu xảy ra sự cố, doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm.

Do đó, Bộ Y tế cần quy định rõ những loại bệnh nào, tai nạn nào cần phải khám lại khi hành nghề lái xe. Quy định không rõ sẽ vô tình gây khó khăn cho người lao động, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ông BÙI DANH LIÊN, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:

Đánh giá kỹ tác động

Bộ Y tế cần giải thích rõ khái niệm "điều trị bệnh", "tai nạn" trong dự thảo thông tư. Bên cạnh đó, nên đánh giá tác động về thủ tục hành chính, chi phí kinh tế khi quy định việc người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn. Đồng thời, cần cân nhắc xem quy định này có gây phiền toái, tốn kém cho người dân tham gia giao thông cũng như các doanh nghiệp vận tải hay không.

Nguyễn Thế - Thu Hồng ghi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lái xe phải khám lại sức khỏe sau khi bệnh?