Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Công ty TNHH ĐTXDTM Sài Gòn dừng thi công công trình và thực hiện các biện pháp phòng chống sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống quanh dự án, chỉ được đầu tư xây dựng các hạng mục công trình, kể cả kè taluy khi được cơ quan thẩm quyền cho phép.
"Chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sạt lở, gây nguy hiểm cho tính mạng của người dân" - văn bản UBND tỉnh nêu rõ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH ĐTXDTM Sài Gòn được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án này vào ngày 11-1-2012. Dự án có diện tích hơn 1,5 ha, vốn đầu tư ban đầu hơn 266 tỉ đồng, đến nay điều chỉnh còn 113 tỉ đồng. Dự án có thời hạn hoàn thành vào năm 2015, đã được gia hạn 24 tháng, sau đó gia hạn thêm 18 tháng, đến nay đã hết thời hạn.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy phép xây dựng số 54/GPXD ngày 9-6-2020 cho dự án. Thế nhưng, phải đến cuối tháng 5-2023 thì UBND TP Đà Lạt mới phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 cho dự án Thung lũng hoa Đà Lạt. Đến nay đã hết thời gian gia hạn nhưng dự án chỉ mới thực hiện san gạt đất.
Theo ý kiến của UBND TP Đà Lạt vào cuối tháng 7-2023, dự án đã được tỉnh gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng và điều chỉnh tiến độ đến ngày 30-6-2023. Đây là lần gia hạn cuối cùng đối với dự án nên đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, từ khi chủ đầu tư dự án Thung lũng hoa Đà Lạt bắt đầu cho máy móc san gạt đất, người dân xung quanh hẻm số 2 Đặng Thái Thân lo lắng khi nhận thấy kè của dự án quá cao, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão nên phản ánh lên cơ quan chức năng. Tại đây cũng có vài vị trí sạt lở đã được cơ quan chức năng ghi nhận.
UBND TP Đà Lạt sau đó liên tiếp ra nhiều văn bản yêu cầu cơ quan chức năng rà soát dự án, đề nghị chủ đầu tư ngừng thi công dự án, đưa máy móc ra khỏi khu vực, đảm bảo các biện pháp an toàn cho công trình và người dân xung quanh trong lúc chờ các phương án xử lý tiếp theo.