Tuy nhiên, việc thực hiện quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%) và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ lý do việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ "tiếp ít, ủy quyền nhiều".
Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị công khai thông tin người đứng đầu đơn vị không trực tiếp tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành. Theo bà, nếu có địa chỉ, công khai thì tình hình năm sau sẽ chuyển biến tích cực.
Cùng mối quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị bổ sung rõ địa chỉ cụ thể cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa trực tiếp tiếp công dân để xác định trách nhiệm, có chế tài xử lý thích hợp. Từ đó giúp cho công tác này ở các nơi này có chuyển biến.
Qua tiếp xúc cử tri ở các địa phương, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ông nhận được nhiều phản ánh về việc lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp công dân.
“Theo quy định, mỗi tháng người đứng đầu cấp uỷ tiếp công dân một lần nhưng không nhiều địa phương đảm bảo việc này. Chủ tịch UBND tỉnh cũng vậy, chủ yếu là giao cấp phó làm thay”, ông Cường nêu.
Trước tình hình trên, ông Cường cho rằng, cần có quy định để buộc các đơn vị giải trình để họ phải thay đổi, quan tâm hơn đến việc tiếp công dân.