Lạm thu trong trường học: Nỗi sợ của giáo viên

15/10/2023, 11:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngoài chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm ở nhiều trường công còn kiêm thêm nhiệm vụ thu tiền học phí, bảo hiểm và các khoản gắn mác tự nguyện.

Để kịp tiến độ và hạn chế thất thoát, buộc thầy cô phải nhắc nhở nhiều lần. Điều này khiến giáo viên trở thành “người đòi nợ”.

“Kẹt” giữa tài vụ và phụ huynh

Năm học 2019 – 2020, bà Đ.T.T.H, có con học Trường Tiểu học số 2 Hòa Liên (Hòa Vang, TP Đà Nẵng) gửi đơn thư phản ánh việc thu tiền và phát thẻ bảo hiểm y tế của nhà trường có nhiều khuất tất. Tháng 6/2020, khi con bà H đi bệnh viện cấp cứu, gọi điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm thì hôm sau mới nhận được thẻ bảo hiểm.

Trước đó, đứa con đầu của con bà H là em B.T đã nộp tiền bảo hiểm y tế nhưng không được phát thẻ. Khi em B.T đi cấp cứu ở bệnh viện, gia đình phải thanh toán toàn bộ chi phí vì không có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm y tế của trường. Ngoài ra, bà H còn phát hiện thêm 2 học sinh cũng bị chậm trễ trong cấp thẻ bảo hiểm y tế dù đã đóng tiền đầy đủ.

Theo giải thích của bà Nguyễn Thị Phượng, thời điểm đó là kế toán Trường Tiểu học số 2 Hòa Liên, trường hợp em B.T không có thẻ là do sơ suất từ phía giáo viên chủ nhiệm. Trong danh sách học sinh tham gia bảo hiểm y tế không có tên em B.T, dù số tiền giáo viên chủ nhiệm nộp lên cho kế toán thừa so với số học sinh trong danh sách. Số tiền này sau đó được kế toán trả lại cho giáo viên chủ nhiệm.

Giáo viên có liên quan trong câu chuyện trên không tránh khỏi “mệt mỏi” vì phải giải thích, đối thoại với phụ huynh, tường trình với ban giám hiệu nhà trường khi có đơn thư phản ánh. Không có nghiệp vụ nên giáo viên khó đối chiếu thông tin dẫn đến sai sót đáng tiếc: Quyền lợi tham gia bảo hiểm của học sinh bị ảnh hưởng do thời gian đóng bảo hiểm gián đoạn, không đủ 5 năm liên tục. Đáng buồn hơn, giáo viên rơi vào tình thế “tình ngay, lý gian”, vì đã chuyển đủ số tiền thu được cho kế toán nhưng lại bỏ sót tên học sinh.

Cô giáo A.T, giáo viên một trường THCS tại Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) cho biết, với một số khoản thu như quỹ đội, quỹ hội phụ huynh…, giáo viên chủ nhiệm thường thu hộ. “Dù chưa rơi vào trường hợp phải đi nhắc nhở từng học sinh, phụ huynh nhưng ngoài giáo án, giáo viên phải có thêm quyển sổ để ghi tên những em đã nộp, tránh nhầm lẫn.

Cũng không thể thu được bao nhiêu thì chuyển cho thủ quỹ bấy nhiêu mà đợi thu đủ, giáo viên mới nộp; để tránh lắt nhắt giáo viên phải ‘ôm’ thêm tiền của một số khoản thu”, cô A.T chia sẻ đồng thời cho biết, từ năm học 2023 - 2024, giáo viên làm công tác chủ nhiệm đã thống nhất không thu hộ mà sẽ do thủ quỹ đảm nhận.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Đối với cấp tiểu học, có khoản thu tiền bán trú, thường phụ huynh chuyển khoản qua ngân hàng hoặc nộp tiền mặt cho thủ quỹ.

Tuy nhiên, với trường hợp phụ huynh học sinh chậm trễ nộp khoản tiền này đến 2 - 3 tháng, nhà trường buộc phải nhờ giáo viên chủ nhiệm nhắn tin, gọi điện nhắc nhở phụ huynh thanh toán để đảm bảo việc phục vụ bán trú cho các con. Chúng tôi biết giáo viên phải ‘đòi nợ’ thay cho nhà trường nhưng đây là kênh liên lạc nhanh và hiệu quả nhất”.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: NTCC ảnh 1
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Để giáo viên làm đúng chuyên môn

Cô Lê Thị Kim Bông – Trường THPT Bình Sơn (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Ngoài khoản thu bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm thân thể được học sinh tham gia tự nguyện, giáo viên không thu thêm một khoản nào khác.

Với học phí, phụ huynh thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc nộp tiền mặt cho thủ quỹ nhà trường theo những khung giờ nhất định”. Các khoản thu hộ, theo cô Kim Bông, bảo hiểm y tế là khoản thu bắt buộc và thời gian đóng dài, đến tháng 12 hằng năm mới kết thúc đợt đóng tiền nên phụ huynh có sự chuẩn bị, vì vậy giáo viên không thấy nặng nề.

Gần như giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học ở TP Đà Nẵng đều phải làm công việc gửi phiếu thông báo tiền bán trú lên nhóm lớp để phụ huynh nắm thông tin. Sau đó, phụ huynh tự thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc nộp trực tiếp tại văn phòng. Giáo viên chỉ đảm nhận vai trò thông báo chứ không phải nhắc nhở và thu tiền từng phụ huynh như một số nơi khác.

Tại Quảng Trị, cô Trần Thị Lệ Thủy - Trường Tiểu học – THCS Tân Lâm (huyện Cam Lộ) cho biết, dù có chủ trương phụ huynh nộp các khoản thu tại văn phòng trường cho thủ quỹ hoặc chuyển khoản nhưng vẫn có người nộp cho giáo viên chủ nhiệm.

“Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo công khai số tài khoản của nhà trường. Đối với phụ huynh nộp tiền mặt, thủ quỹ sẽ thu tại văn phòng trường. Thế nhưng, phụ huynh nộp khoản gì cũng tìm đến giáo viên chủ nhiệm với lý do “nộp cho cô mới chắc”. Vậy là giáo viên chủ nhiệm phải ôm thêm việc vì không thể từ chối được”, cô Thủy cho biết.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt cho biết, ở các trường tiểu học và mầm non, vẫn có tình trạng phụ huynh nợ 2 - 3 tháng tiền ăn bán trú của con. Thậm chí có trường hợp, năm học kết thúc vẫn không thể thu xong dù nhà trường đã mời phụ huynh đến làm việc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lạm thu trong trường học: Nỗi sợ của giáo viên