Lan tỏa thông điệp về giá trị tốt đẹp của sự học

15/11/2023, 10:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thông qua tác phẩm “Một con chữ, một cuộc đời”, nhóm tác giả mong muốn lan tỏa thông điệp về giá trị tốt đẹp của sự học

Cảm phục trước tinh thần ham học tập

Tác phẩm “Một con chữ, một cuộc đời” viết về một Lớp học tình thương ở phường Mỹ Bình - TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Lớp học được chú Ba Thời, 73 tuổi, là Cựu chiến binh mở ra từ năm 1996 để dạy cho những đứa trẻ không có điều kiện đến học chính quy, vì các em có hoàn cảnh rất khó khăn mà người ta hay gọi là 3 Không: “Không giấy khai sinh, không hộ khẩu và không có nhà”.

Tác giả tác phẩm, Nhà báo Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc - Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp chia sẻ: “Tôi biết đến lớp học này hồi 4 năm trước, khi đó tôi tham gia một lớp tập huấn ở An Giang và được nghe câu chuyện của chú Ba Thời, đã cảm động đến nhóm tác giả bởi chú Ba đã dành hết lương hưu của mình để duy trì hoạt động lớp học tình thương, và tấm lòng vô cùng cao cả của các cô giáo tình nguyện nơi đây, ngày ngày đến lớp để dạy chữ, kỹ năng sống và nhân cách cho các em mà không đòi hỏi một đồng lương hay khoản phí trả công nào”.

Dù khó khăn nhưng các em vẫn miệt mài với từng con chữ
Dù khó khăn nhưng các em vẫn miệt mài với từng con chữ

Theo lời kể của chú Ba Thời, sở dĩ chú mở lớp là vì thấy các cháu trong khóm vì nghèo, mồ côi hoặc ba mẹ đi làm xa nên không có điều kiện học hành. Các cháu không biết chữ, phải mưu sinh sớm nên nhiều em sa vào tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. Chú mở lớp với hy vọng là các cháu này sẽ đọc được con chữ, sau này lớn lên ít nhất có thể viết được một cái đơn xin việc.

Bên cạnh việc dạy chữ ở lớp cho các em, chú còn thực hiện nhiều hoạt động khác như: Dẫn các cháu trong lớp đi về nguồn, tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử, công ơn của các bậc tiền hiền. Bởi chú Ba Thời muốn các cháu nhỏ ngoài học chữ thì cũng được trải nghiệm nhiều hoạt động khác như các học sinh chính quy ở trường.

Tình thương của chú Ba Thời và các thầy cô tình nguyện dành cho các em là rất lớn. Vì để duy trì lớp học miễn phí đến 27 năm thì không phải ai cũng có thể làm được. Do đó, nhóm phóng viên chúng tôi quyết định thực hiện phóng sự về lớp học này trước là để cảm ơn chú Ba Thời và các thầy cô của lớp. Sau là bày tỏ sự cảm phục của mình trước tinh thần ham học của các em, khi sáng thì đến lớp học tình thương, chiều tối về lại rong ruổi trên khắp nẻo đường, tuyến phố để phụ giúp gia đình mưu sinh.

Ekip tác giả thực hiện công đoạn hậu kỳ của tác phẩm
Ekip tác giả thực hiện công đoạn hậu kỳ của tác phẩm

Lan tỏa giá trị tốt đẹp của sự học

Khi thực hiện tác phẩm này, nhóm tác giả đã không thể cắt bớt đi một nhân vật hay một câu chuyện nào về lớp học tình thương để tác phẩm có thể súc tích hơn, vì những câu chuyện quanh đây tất cả đều xứng đáng, không thể bỏ lỡ và đổi lại các anh chị đã phải cố gắng dành nhiều thời gian để thể hiện tất cả một cách trọn vẹn.

Những hình ảnh mồ hôi ướt đẫm cả trang giấy của những đứa trẻ yếu ớt (do bệnh) đang nắn nót viết từng con chữ, mỗi con chữ các em đọc được, viết được, hay những con số được làm trong các bài tập toán đều chứa đựng rất nhiều cố gắng của các em, đã thực sự làm xúc động cả ekip thực hiện phóng sự này. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự cố gắng và khó khăn mà các em đã vượt qua để học được con chữ.

Một trong những điều để lại ấn tượng sâu sắc mà anh chị nhóm phóng viên chia sẻ là câu chuyện về em Nguyễn Hồng Nhung. Em nay đã ngoài 20 tuổi nhưng mới học lớp một. Do em mắc phải căn bệnh quái ác từ nhỏ nên tay chân của em đều yếu ớt, trí não lại chậm phát triển hơn bình thường.

Để viết được một con chữ, đối với em không dễ dàng, em ghì chặt cây viết chì, gồng hết sức tay mới có thể viết được một nét. Cô giáo đã tận tình chỉ em viết từng chữ, những nét em viết tốt cô dành lời khen khuyến khích. Đến khi em viết được 4 dòng của một bài thơ thì mồ hôi đã đổ khắp mặt mũi và người em.

Tác phẩm là sự kỳ vọng to lớn từ ekip tác giả, đồng thời mong muốn thông qua Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2023 sẽ lan tỏa thông điệp về giá trị tốt đẹp của sự học. “Được đến lớp, được học, được gặp bè bạn là niềm vui, là những món quà vô cùng giá trị, điều mà lớp học tình thương này đã và đang mang lại cho các em”.

Chị Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc, tác giả của phóng sự này bày tỏ: Dù tác phẩm có được giải hay không thì chị cũng đều trân quý. Vì đây là những nổ lực mà cả ekip đã dành tâm huyết để thực hiện. Song, điều mà chị và cả ekip cảm thấy may mắn hơn là lớp học này đã cho chị gặp được nhiều người tử tế cũng như nhiều bài học về sự sẻ chia. Với kỳ vọng sẽ mang lại những cảm xúc chân thực cho khán, thính giả khi được nghe câu chuyện về lớp học tình thương này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lan tỏa thông điệp về giá trị tốt đẹp của sự học