Thầy Phương chia sẻ, hiện chưa có tài liệu môn Giáo dục địa phương lớp 8. Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn về chủ đề các bài học nhưng việc triển khai gặp vướng mắc. Được phân công dạy hai chủ đề về tín ngưỡng tôn giáo, dân ca xứ Nghệ, thầy phải tự mày mò, nghiên cứu, tìm hiểu, chắt lọc thông tin từ các nguồn tài liệu khác nhau để dạy. Bù lại học sinh khá hào hứng với môn học gắn với thực tế cuộc sống, nơi các em sinh sống, đó cũng là động lực để nhà giáo hoàn thành tiết dạy.
Tiết dạy thực nghiệm SGK chương trình giáo dục địa phương tại Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Ngọc Sơn |
Chương trình giáo dục địa phương trang bị cho học sinh nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội nơi học sinh sinh sống. Qua đó góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học vào thực tế. Trong 4 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, tài liệu giáo dục địa phương tại Nghệ An được tổ chức biên soạn sớm, nhưng vẫn chậm phát hành do nhiều nguyên nhân.
Năm nay, lớp 8, 10 và 11 đang phải dạy, học chay, có trường đợi tài liệu chưa triển khai. Một số trường sử dụng giải pháp tình thế là bản PDF nhưng chưa được phê duyệt chính thức và liên quan đến bản quyền. Việc tổ chức dạy học cũng gặp khó khăn trong bố trí giáo viên dạy từng chủ đề.
Mới đây, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức dạy học thực nghiệm tài liệu địa phương chương trình lớp 8 và 11 tại nhiều trường học ở thành phố Vinh, huyện Anh Sơn và Diễn Châu. Cô Đặng Thị Quỳnh Hoa - giáo viên Lịch sử Trường THPT Anh Sơn 1 dạy thực nghiệm bài di tích thắng cảnh trong chương trình lớp 11 với việc giới thiệu 2 di tích hang Bua (huyện Quỳ Châu) và rừng Pù Mát (huyện Con Cuông).
Chia sẻ sau buổi dạy thực nghiệm, cô Quỳnh Hoa cho hay sách đã giới thiệu được trọng tâm mỗi bài học, chủ đề. Tuy nhiên, phần về giá trị kinh tế, giá trị du lịch, lịch sử… chưa dày dặn. Cô mong việc biên soạn sách giáo khoa đầy đủ hơn với nhiều dẫn chứng, tài liệu làm cơ sở cho giáo viên giảng dạy.
Về việc dạy học chương trình giáo dục địa phương, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT Nghệ An ghi nhận nỗ lực triển khai của nhiều nhà trường, giáo viên trong điều kiện tài liệu chưa đầy đủ. Sở đã tổ chức dạy thực nghiệm ở 3 huyện đại diện cho 3 vùng miền địa phương: Miền núi, đồng bằng ven biển, thành thị. Qua đó lắng nghe ý kiến từ giáo viên, góp ý những vấn đề chưa phù hợp để điều chỉnh.
Về phía ngành và các đơn vị liên quan, trong quá trình biên soạn tài liệu chương trình giáo dục địa phương phải thận trọng, đầy đủ các bước thẩm định. Mục đích đảm bảo chất lượng, đáp ứng ba mạch kiến thức về lịch sử văn hóa truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp và chính trị xã hội của Nghệ An. Qua đó, đưa nét tiêu biểu, nổi bật đặc trưng của Nghệ An đến với học sinh và hỗ trợ tối đa giáo viên trong giảng dạy.