Còn tại TP Thủ Đức, về đêm, ở các tuyến đường kinh doanh lớn như Hoàng Diệu 2, Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, xung quanh chợ Thủ Đức… tình trạng lấn chiếm vỉa hè cũng không kém cạnh. Tối 11-2, khi đi qua những khu vực này, gần như nơi đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh vỉa hè chật ních người ngồi hoặc xe dựng. Những "chướng ngại vật" này ngăn cản, đẩy người đi bộ xuống lòng đường và tạo nên cảnh tượng rất lộn xộn.
Ban ngày cũng... không tha
Ban đêm là thế. Ban ngày, vỉa hè, lòng đường cũng bị mạnh ai nấy chiếm cho những hình thức kinh doanh khác. Trên những trục đường chính, hầu như vỉa hè đều bị chiếm dụng một phần để buôn bán hàng rong, nhất là vào buổi sáng sớm. Như trục đường Trường Chinh (quận Tân Phú), đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình, quận 10), Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận Phú Nhuận) hay Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3)… những tuyến trên, do nhiều đoạn có vỉa hè rộng 5-7 m nên trở thành nơi lý tưởng để người bán hàng rong "tranh thủ" vào buổi sáng.
Trong khi đó, những tuyến đường có vỉa hè nhỏ hơn và không đồng bộ như Âu Cơ (quận Tân Phú), Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Nguyễn Tri Phương (quận 10), Hùng Vương (quận 5)… vỉa hè chủ yếu bị cơ sở kinh doanh dùng đặt bảng hiệu, trưng bày sản phẩm hoặc để xe…
Vỉa hè đường Trường Chinh (quận Tân Phú). Ảnh: THU HỒNG
Từng bị té xe do người bán hàng rong chiếm dụng lòng đường cản trở giao thông, chị Nguyễn Thu Hiền (huyện Hóc Môn) kể ngày nào chị cũng đi về 2 lượt trên đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) vào giờ cao điểm sáng và chiều. Do tuyến đường hẹp, vỉa hè lại nhỏ nên hầu hết người dân buôn bán mặt tiền đều trưng dụng vỉa hè đặt bảng hiệu, hàng hóa. Người mua tấp vào phải dựng xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông.
Cũng theo người phụ nữ, không chỉ vỉa hè bị chiếm dụng, ngay dưới lòng đường cứ chiều tan tầm xuất hiện xe đẩy trái cây, rau củ vô tư đậu, đặt loa rao gây mất an toàn giao thông. "Có lần tôi va vào 1 xe máy lượn vào mua rau, ngã ra đường. May lúc đó không có ôtô chạy qua, chứ không thì hậu quả khó lường. Tôi đề nghị chính quyền cần kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường vô trật tự như thế này" - chị Hiền bức xúc.
Đồng quan điểm với chị Hiền, ông Nguyễn Hữu Tân (quận 3, cán bộ hưu trí) phân tích thêm lâu nay vỉa hè được nhà nước chỉnh trang nhằm phục vụ người đi bộ, chưa kể người khuyết tật cũng sử dụng vỉa hè để bảo đảm an toàn, rồi du khách đến TP HCM đa phần đi bộ khi tham quan… Nhiều vỉa hè tại quận 1, chính quyền cũng đặt gờ inox để hạn chế xe máy ra vào, những vỉa hè này rất chỉn chu, rất mỹ quan và an toàn cho người đi bộ.
"TP HCM đang khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng là xe buýt, xe đạp để di chuyển thì nên quan tâm đến độ thông thoáng của vỉa hè để người dân sử dụng an toàn" - ông Tân nói.
Đề án thu phí từng triển khai từ năm 2017
Năm 2017 đề án thu phí dùng tạm vỉa hè từng được TP HCM đưa ra với mức phí thu dựa theo đặc thù mỗi khu vực. Tuy nhiên đề án này chưa được triển khai rộng rãi vì ít tính khả thi.
Hiện nay một số quận, huyện đang tổ chức, sắp xếp cho sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường. Trong đó quận 3 thí điểm cho người dân kinh doanh, mua bán có đóng phí trên 8 tuyến đường như Nguyễn Thượng Hiền, Điện Biên Phủ, Hoàng Sa… Ngoài ra quận 3 cũng cho dùng tạm một phần vỉa hè làm bãi giữ xe có thu phí ở những tuyến đường rộng như Tú Xương, Lê Quý Đôn, Trương Định, Lý Chính Thắng, Hồ Xuân Hương…
Tuy nhiên, đây không phải hình thức cho thuê vỉa hè mà địa phương chỉ thu phí sau khi đầu tư, cải tạo hạ tầng để tổ chức các hoạt động kinh doanh, mua bán có trật tự.
(Còn tiếp)