Âm vang cồng chiêng không chỉ mang đến sự vui tươi, phấn khởi, mà theo quan niệm của bà con còn giúp xua đuổi ma quỷ và những điều không may.
Theo quan niệm từ xa xưa, khi lúa chín đỏ đuôi sẽ được đem phơi cả bông cho giòn và đưa vào đuống giã ra hạt lúa, gạo. Những hạt gạo mới này sẽ được nấu thành cơm để cúng ông bà, tổ tiên trước rồi gia đình mới được ăn nếu không vụ mùa sau sẽ mất trắng.
Ngoài những hạt gạo mới và ngon nhất, tùy vào điều kiện của gia đình có thể chuẩn bị thêm các lễ vật, như rau rừng, cá suối, thịt gà… Cá phải chọn con tươi, ngon nhất nướng trên than hồng. Một điều không thể thiếu trong Lễ “Mừng cơm mới” đó là rượu ghè được nấu với men lá tạo nên hương vị đặc trưng của người Mường.
Sau khi gia chủ chuẩn bị xong đồ lễ sẽ là công việc của thầy mo. Người Mường rất coi trọng nghi lễ này, thế nên việc xem ngày và cúng thường phải nhờ đến các bậc cao niên, người có uy tín, am hiểu tục lệ.
Thầy mo là người đại diện cho chủ nhà nên ăn mặc chỉnh tề và tiến hành làm lễ để cúng trời đất, tổ tiên và cảm ơn các vị thần đã giúp cho gia đình, dân làng có mùa vụ no ấm.
“Lễ ‘Mừng cơm mới’ được tổ chức để cảm tạ đất trời, con cháu tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên cội nguồn. Đây cũng là dịp để bà con tụ họp ăn mừng thành quả sau một vụ mùa vất vả mệt nhọc. Mọi người sẽ cùng nhau múa xòe theo nhịp trống chiêng thể hiện sự vui vẻ, hân hoan mong chờ một mùa bội thu sắp tới và đất trời thuận hòa, cây cối tốt tươi.
Xưa kia, khi còn ông lang và bà lang thì người Mường tổ chức những nghi lễ cúng và vui chơi. Giờ đây, nhiều phong tục, tập quán… dần bị mai một nên hàng năm dân làng vẫn tái hiện lại để lớp trẻ biết và gìn giữ văn hóa truyến thống dân tộc”, nghệ nhân Thiệu tâm sự.
Trong bộ trang phục truyền thống, bà Quách Thị Hoàn (65 tuổi) chuẩn bị thể hiện tiết mục đánh cồng chiêng, giã gạo và múa xòe, nhảy sạp cho Lễ “Mừng cơm mới”. Bà Hoàn cho hay, trước ở quê Hòa Bình dân làng thường xuyên tổ chức các lễ hội.
Người dân cùng nhau thực hiện tục đâm ống hay tuổng ống để gọi mùa màng. |
Những bông lúa chín vàng, nặng trĩu hạt được đưa đi giã. |
Dù vào vùng đất mới, bà con vẫn tổ chức nhưng quy mô nhỏ hơn, chủ yếu theo gia đình. Với người Mường, Lễ “Mừng cơm mới” có ý nghĩa thông báo đến tổ tiên rằng năm nay gia đình có một mùa vụ bội thu.
Mâm cơm cúng đủ đầy được dâng lên với mong muốn ông, bà và tổ tiên phù hộ cho năm sau vụ mùa bội thu hơn, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Lễ cúng hoàn tất cả làng sẽ cầm tay nhau vui trong điệu múa xòe, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó và giúp nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
“Thời nay chỉ còn những người lớn tuổi trong làng mới biết rõ và có thể tái hiện lại nét đẹp văn hóa ‘Mừng cơm mới’ của người Mường. Giới trẻ cũng chẳng mấy mặn mà với những lễ hội từ xa xưa.
May mắn, 5 người con, 10 người cháu của tôi đều biết đến văn hóa truyền thống này của dân tộc. Mình hy vọng lớp trẻ sẽ yêu thích, gìn giữ nét đẹp truyền thống để nhớ về nguồn cội của người Mường”, bà Hoàn tâm sự.
Ông Bùi Quang Triệu, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kan cho biết, sau một năm tất bật với công việc đồng áng, vào dịp cuối năm, khi lúa đã chín vàng bà con lại quây quần bên nhau để tổng kết về những thành quả đã đạt được.
Bên cạnh đó, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt với hy vọng mùa vụ năm sau tốt tươi, bội thu hơn. Cùng đó, các hộ dân sẽ giao lưu ẩm thực, múa xòe, nhảy sạp… để ôn lại truyền thống văn hóa đã có từ xa xưa.
“Sau nhiều năm người Mường xa quê đã có nhiều phong tục, tập quán dần bị mai một. Do đó, đây là dịp để mọi người tụ họp, tái hiện lại nhiều lễ hội văn hóa truyền thống. Qua đó, giáo dục con cháu biết và gìn giữ nét đẹp từ xa xưa của dân tộc mình”, ông Triệu nói.
Em Nguyễn Anh Tường, lớp 7C2 - Trường Tiểu học và THCS Lý Tự Trọng (huyện Ngọc Hồi) lần đầu tiên được tham gia Lễ “Mừng cơm mới” của người Mường. Em Tường chăm chú theo dõi lễ tái hiện và vui mừng khi được tham gia nhảy sạp, múa xòe cùng mọi người.
“Em rất vui và hạnh phúc khi vẫn được tham gia lễ hội lớn của người Mường ngay trên mảnh đất Kon Tum. Hy vọng khi lớn lên em có thể thay ông bà, cha mẹ tái hiện và gìn giữ thêm những nét văn hóa truyền thống đến nhiều đời sau”, em Tường nói.