Không chỉ giáo viên mà học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An cũng gặp nhiều khó khăn trong hành trình tìm con chữ. Trường có tổng cộng 557 học sinh (cả các điểm lẻ) nhưng có đến hơn 150 em học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Những năm gần đây, mặc dù hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Ngọc Hiển không ngừng được đầu tư cải thiện, nhưng tại điểm trường này việc đi lại của học sinh vẫn hết sức nan giải. Hiện có khoảng 50% học sinh ở đây phải đi học bằng đò, chi phí mỗi ngày đi về từ 50 đến 60 nghìn đồng. Nhiều gia đình đang gặp khó khăn trong việc cho con em đến trường.
“Việc đi học bằng đò cũng rất bất tiện cho học sinh. Vào những lúc con nước ròng, đò bị mắc cạn, lên xuống rất nguy hiểm, có lúc học sinh phải xắn ống quần lội sình mới lên được đến lớp. Nhiều học sinh đến trường muộn hoặc vắng mặt bất đắc dĩ do trễ đò hoặc đò bị mắc cạn, không chạy được, nhất là tại các điểm trường lẻ”, cô Lục Thị Minh Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Kể về hành trình đến trường của mình, em Lê Ánh Kim - học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học 2 xã Viên An cho biết, nhà em nằm ở một tuyến kênh, cách trường khoảng 13 km. Hằng ngày, để đến được trường em phải thức dậy từ 4 giờ đến 5 giờ sáng để chuẩn bị tập vở, thay quần áo, sau đó đón đò di chuyển ra lộ lớn. Ra đến nơi em lại tiếp tục đón xe người quen hoặc có hôm không có phải đi xe ôm đến trường.
“Nhà thuộc diện hộ nghèo, mặc dù đi học khó khăn nhưng em không muốn bỏ học. Em mơ ước sau này trở thành cô giáo để có thể dạy các bạn nhỏ có hoàn khó khăn như em”, Ánh Kim hồn nhiên chia sẻ ước mơ.
Thầy Ngô Văn Phục - Trường Tiểu học 2 xã Viên An cho biết, phần lớn học sinh ở đây đều sống cùng ông, bà (do cha, mẹ đi làm ăn xa). Ông, bà lớn tuổi, không theo kịp chương trình dạy học mới, nên không thể hỗ trợ kèm cặp các cháu, đành khoán trắng việc học của con cháu mình cho giáo viên, từ đó tăng thêm áp lực đối với thầy cô.
“Trong một lớp học, học lực học sinh thường không đều nhau, giáo viên phải nắm bắt, phân loại thành từng nhóm để có sự kèm cặp, hỗ trợ phù hợp. Dạy học sinh vùng sâu, xa khó hơn nhiều so với dạy học sinh ở khu vực thành phố, đặc biệt để bồi dưỡng được một học sinh giỏi ở đây là cả sự nỗ lực lớn của giáo viên ở nhiều phương diện khác nhau”, thầy Phục tâm sự.
“Dù dạy và học trong điều kiện nhiều khó khăn như vậy, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, hằng năm trường vẫn đảm bảo tỷ lệ học sinh lên lớp đạt từ 98% trở lên. Những năm qua, nhờ thường xuyên theo sát và làm tốt việc vận động phụ huynh nên tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm được xuống mức thấp”, cô Phạm Thị Quyên thông tin.