Lên phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh khó khăn

Dung Nguyễn | 29/04/2022, 09:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học 2022-2023 sẽ thực hiện chương trình SGK mới đối với lớp 3, 7 và 10. Ngay từ cuối năm học 2021-2022, ngành Giáo dục Kon Tum đã rà soát số lượng học sinh khó khăn để có phương án hỗ trợ SGK cho các em.

Học sinh tại Kon Tum vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.Học sinh tại Kon Tum vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chú trọng SGK cho học sinh khó khăn

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhưng các trường học tại thành phố Kon Tum vẫn linh hoạt ứng phó, tổ chức dạy và học để đảm bảo hoàn thành chương trình học kì II trong đầu tháng 5.

Thầy Thái Khắc Hoà, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho biết, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường hoàn thành chương trình học kì II trong cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng ngành Giáo dục thành phố Kon Tum vẫn ưu tiên dạy 2 buổi/ngày, đan xen giữa trực tuyến và trực tiếp. Đối với chương trình SGK lớp 1, 2 và lớp 6 giáo viên vất vả hơn khi phải theo dõi cụ thể từng học sinh. Tuy nhiên, giáo viên luôn linh hoạt trong dạy và học. Đặc biệt, thông qua việc đánh giá, nhận xét hàng tuần, hàng tháng đã giúp học sinh phát huy được năng lực, phẩm chất. Đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số, các em tự tin, mạnh dạn hơn trong học tập.

“Đối với từng học sinh, giáo viên linh hoạt áp dụng hình thức dạy học phù hợp. Tuy nhiên, ưu tiên, phát triển năng khiếu, phẩm chất của các em”, thầy Hoà nói.

Theo thầy Hoà, năm học 2022-2023 sẽ tiến hành thay đổi SGK đối với lớp 3, 7. Do đó, Phòng đã chỉ đạo các trường nghiên cứu, lựa chọn bộ SGK phù hợp với địa phương và nhà trường.

“Phòng chỉ đạo các trường nghiên cứu kĩ 4 bộ SGK để lựa chọn được một bộ phù hợp với điều kiện địa phương. Tuy nhiên, ít nhất các trường trên địa bàn thành phố phải chọn từ 2 bộ sách trở lên”, thầy Hoà nói.

Vị trưởng Phòng giáo dục cho hay, sau khi UBND tỉnh phê duyệt và công bố danh mục SGK sử dụng trong năm học tới thì nhà trường sẽ thông báo đến giáo viên, phụ huynh để chủ động mua sách. Bên cạnh đó, giáo viên và nhà trường sẽ rà soát lại trường hợp học sinh nghèo, cận nghèo để có kế hoạch kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ.

“Qua rà soát thì năm học 2022-2023 ngành giáo dục thành phố có 886 học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, khối lớp 1 là 177 em, lớp 2 là 222 em, lớp 3 – 182 học sinh, lớp 6 – 152 em, còn lớp 7 là 153 học sinh.

Bên cạnh việc kêu gọi sự hỗ trợ của nhà hảo tâm thì những năm qua các trường vùng thuận lợi luôn sẻ chia, giúp đỡ trường học vùng khó khăn. Từ khi thực hiện chương trình GDPT 2018 đến nay tất cả học sinh đều có SGK đến trường. Đây cũng là vấn đề quan trọng mà ngành Giáo dục thành phố quan tâm, chú trọng đầu tiên”, thầy Hoà nói.

Tập trung bồi dưỡng cho giáo viên

Giáo viên TP Kon Tum giảng dạy chương trình SGK mới cho học sinh.

Thầy Hoà cho hay, việc thay đổi chương trình SGK mới đối với lớp 3 và lớp 7 trong năm học 2022-2023 cũng gây một số khó khăn cho giáo viên. Bởi đối với giáo viên THCS trước kia chỉ được đào tạo một môn. Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình GDPT 2018 giáo viên phải dạy học theo khối KHTN – KHXH. Ví dụ như giáo viên dạy môn Lịch sử phải bồi dưỡng thêm môn Địa lý.

“Hiện tại ngành Giáo dục đã lập danh sách các giáo viên cấp Tiểu học, THCS tham gia bồi dưỡng trước khi bước vào giảng dạy chương trình mới. Tuy nhiên, vấn đề này cũng gây một số khó khăn đối với giáo viên lớn tuổi”, thầy Hoà cho biết.

Bước vào thực hiện chương trình SGK mới đối với lớp 3, lớp 7, đội ngũ giáo viên ngành Giáo dục thành phố Kon Tum đã được tập huấn kĩ lưỡng. Bên cạnh đó, đã trang bị các bộ đồ dùng dạy học. Tuy nhiên, hiện tại vẫn đang thiếu 10 phòng Tin học. Do đó, Phòng Giáo dục thành phố đang tham mưu để xin triển khai đầu tư xây dựng phòng học, đảm bảo nhu cầu dạy học.

Tương tự, tại trường THPT Phan Bội Châu (TP Kon Tum) cán bộ quản lý, giáo viên đã được tham gia tập huấn 4 mô đun.

Theo thầy Bùi Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, dự kiến năm học 2022-2023 nhà trường sẽ tuyển sinh 150 học sinh lớp 10. Trong đó gồm 1 lớp Khoa học tự nhiên và 3 lớp Khoa học xã hội với 13-15 giáo viên giảng dạy. Tuy nhiên, hiện tại 29 cán bộ, giáo viên của trường đã được tham gia tập huấn.

Thầy Minh cho biết, để đáp ứng nhu cầu dạy và học đối với chương trình SGK lớp 10 nhà trường cần 8-10 phòng bộ môn, tuy nhiên hiện tại mới có khoảng 5 phòng. Đặc biệt phòng Âm nhạc chưa đảm bảo, còn nhà đa năng chưa có.

“Hiện tại nhà trường đang thiếu giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Nếu học sinh có nhu cầu chọn nhóm môn nghệ thuật thì nhà trường xin ý kiến để tuyển giáo viên hợp đồng.

Còn đối với SGK, nếu học sinh khó khăn không thể mua được thì nhà trường sẽ cho các em mượn sách ở tủ sách dùng chung. Ngoài ra kêu gọi thêm các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ”, thầy Minh chia sẻ.

Bài liên quan
Những điểm kế thừa và đổi mới của Sách giáo khoa Tiếng Việt 3 bộ Cánh Diều
Sách giáo khoa Tiếng Việt 3 được thiết kế theo mô hình tích hợp, lấy hệ thống chủ đề - chủ điểm làm chỗ dựa để xây dựng hệ thống bài học, nhằm phát triển năng lực ngôn ngữ và văn học, đồng thời bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng sống cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lên phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh khó khăn