Lịch sử trong dòng chảy hiện tại

07/04/2025 06:10

Giỗ tổ Hùng Vương luôn có vị thế đặc biệt trong tâm thức người Việt để nhắc nhớ về cội nguồn dân tộc.

Từ trong trường học, thế hệ trẻ được giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào về quê hương xứ sở… thông qua những hoạt động hướng về Đất Tổ.

Dễ nhận thấy trong cấu trúc tổ chức hoạt động hướng về ngày Giỗ tổ Hùng Vương của các trường học, từ mầm non, phổ thông cho đến đại học, đều có phần lễ và hội. Phần lễ với nghi thức trang trọng, đậm chất dân gian truyền thống để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng như dâng hương, dâng lễ vật gồm bánh chưng, bánh dầy; khai chiêng - khai trống, rước kiệu, diễu hành… Không khỏi xúc động khi chứng kiến và hòa mình vào không khí trang nghiêm khi những học sinh nhỏ tuổi mặc trang phục truyền thống thành kính dâng hương thực hiện nghi lễ Giỗ tổ từ xa.

Phần hội, ngoài tiết mục văn nghệ, còn có sự kết hợp giữa các sân chơi học tập và trò chơi dân gian nhằm giúp học sinh, sinh viên có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau, tạo ra khí thế thi đua học tập và rèn luyện sôi nổi.

Những câu chuyện về văn hóa, lịch sử trong quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc, ngoài được tái hiện qua câu chuyện kể, còn chuyển tải đến các thế hệ Gen Z, Gen Alpha các hoạt động văn thể mỹ như sân khấu hóa, chương trình nghệ thuật nhạc và thơ… Những hoạt động này nhắc nhở thế hệ trẻ luôn nhớ về nguồn cội dân tộc, nuôi dưỡng và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc để thêm vững vàng khi hội nhập quốc tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ - giảng viên cao cấp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z có đủ lòng nhiệt huyết và tinh thần hướng về nguồn cội. Song dưới tác động của trào lưu văn hóa đại chúng hiện nay, cần có “nghệ thuật” định hướng giới trẻ. Việc giáo dục ý thức nguồn cội trong giới trẻ nên được linh hoạt thể hiện qua con người nghệ thuật hóa, đại chúng hóa ở không gian công cộng và tập trung hóa trên các phương tiện truyền thông.

Từ năm 2015, dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm do một số kiều bào Việt Nam ở nước ngoài khởi xướng, đã trở thành sự kiện văn hóa thường niên nhằm tôn vinh lòng tự hào dân tộc, kết nối cộng đồng người Việt trên thế giới cùng tham gia bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Hoạt động này còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hòa bình giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Chương trình Ngày Quốc Tổ Việt Nam - Lễ Giỗ tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu năm 2025 có chủ đề “Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc” được tổ chức vào lúc 18 giờ, ngày 7/4 (tức 10/3 âm lịch), theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Lịch sử là một câu chuyện, câu chuyện ấy chỉ trở nên hấp dẫn khi học sinh, sinh viên nhận biết được quá khứ đang tồn tại trong hiện tại và còn hiện diện ở tương lai. Những hoạt động văn hóa - văn nghệ hướng về nguồn cội, các đoàn sinh viên xuất sắc đại diện cho tuổi trẻ hành hương về nguồn là dịp để thế hệ trẻ thấm sâu hơn bản sắc văn hóa, truyền thống đất nước.

Những bài học lịch sử, địa lý trực quan sinh động sẽ giúp học sinh, sinh viên hứng thú hơn khi tìm hiểu về truyền thống lịch sử của đất nước. Tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào về quê hương, xứ sở phải bắt nguồn từ sự tường tận về lịch sử. Để sau này, dù có đi khắp năm châu bốn bể thì những con dân nước Việt cũng biết đâu là tổ tông, nguồn cội để tìm về.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/lich-su-trong-dong-chay-hien-tai-post725933.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/lich-su-trong-dong-chay-hien-tai-post725933.html
Bài liên quan
Kỷ niệm ngày Giỗ tổ Hùng Vương: Đa dạng, hấp dẫn hoạt động giáo dục về nguồn
Hướng tới ngày Giỗ tổ Hùng Vương, các cơ sở giáo dục triển khai nhiều hoạt động giáo dục về nguồn thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lịch sử trong dòng chảy hiện tại