Chỉ trong thời gian khoảng 7 - 10 ngày, trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra tới 6 kì thi tuyển sinh lớp 10 từ hệ chuẩn đến hệ chuyên. Nhiều thí sinh đăng kí từ 2-4 kì thi để tăng cơ hội trúng tuyển.
Học tập tại một trường THCS top đầu của quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) Vũ Minh Châu chuẩn bị tâm thế bước vào kì thi tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học (ĐH) Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Minh Châu lựa chọn xét tuyển lớp tiếng Đức. Ngay sau đó, Minh Châu tiếp tục dự thi lớp chuyên Văn của Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Sau khi kết thúc kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập của Sở GD&ĐT để xét tuyển vào Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm Minh Châu sẽ thi môn chuyên tiếng Đức vào Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam. 4 kì thi Minh Châu tham gia diễn ra trong 10 ngày từ ngày 1 - 10/6.
Chị Lan Anh, mẹ của Minh Châu chia sẻ, gần đến ngày thi, tuy em không nói nhưng chị vẫn cảm nhận được con đang khá căng thẳng. Các lớp học thêm của Minh Châu kết thúc trong tuần này, em có thời gian nghỉ ngơi 2 ngày trước khi bước vào 4 kì thi liên tiếp.
Học sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên năm 2023
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập diễn ra từ ngày 8-9/6, kì thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên (Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, hệ chuyên của Trường THPT Sơn Tây và THPT Chu Văn An) diễn ra ngày 10/6.
Nhưng trước đó, từ ngày 1/6, khoảng trên 12 nghìn học sinh lớp 9 của Hà Nội thử sức trong các kì thi vào lớp 10 chuyên với lịch thi dày đặc. Đây là kì thi do trường THPT chuyên trực thuộc các trường ĐH tổ chức.
Ngoài 4 trường chuyên thuộc sở, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 4 trường chuyên trực thuộc các trường ĐH. Nhóm trường này tổ chức kì thi riêng vào các ngày khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội xét tuyển.
Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên là trường đầu tiên tổ chức kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay với lịch thi ngày 2 - 3/6. Năm nay, trường tuyển 525 chỉ tiêu vào 5 lớp chuyên và có gần 2.800 thí sinh đăng kí dự thi.
Theo thông tin từ Hội đồng tuyển sinh Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, năm nay, số hồ sơ dự tuyển vào trường là 5.382, tương đương năm trước. Trong đó, lớp chuyên Tiếng Anh nhận được nhiều hồ sơ nhất và cũng là khối chuyên có tỷ lệ chọi cao nhất là 1/21,3. Đây là năm đầu tiên nhà trường tuyển sinh thêm lớp chuyên Địa lý. Kì thi tuyển sinh diễn ra trong ngày 5/6.
Năm nay, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ tổ chức kì thi tuyển sinh lớp 10 vào ngày 1/6, có số lượng hồ sơ đăng kí thi hơn 4 nghìn với tổng chỉ tiêu tuyển là 525. Trong đó, lớp chuyên tiếng Anh có nhiều hồ sơ nhất, gần 1.500. Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có khoảng 1.500 thí sinh dự thi vào lớp 10. Thời gian tổ chức thi vào ngày 2/6.
Giảm áp lực cho học sinh
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay phụ huynh, học sinh đang có quan điểm phải đạt thành tích cao mới có tương lai an toàn. Nền giáo dục phải dạy học để phát triển năng lực nhưng thực tế vẫn phải rẽ theo hướng tập trung giảng dạy nội dung kiến thức. Từ đó, người học khó tránh khỏi quá tải bởi khối lượng kiến thức vượt quá khả năng tiếp cận.
Trong khi đó, học sinh chưa biết cách ứng phó, thiếu kĩ năng quản lí thời gian, thiếu kĩ năng quản lí cảm xúc. Theo ông Nam, trước kì thi, học sinh khó tránh khỏi tâm lí căng thẳng, lo lắng. Để giảm áp lực này, học sinh cần có kế hoạch ôn thi khoa học và đầy đủ.
"Các em có thể áp dụng phương pháp học gián đoạn như học 25 phút, nghỉ 5 phút, sử dụng sơ đồ tư duy để não bộ cân bằng và dễ dàng hệ thống hóa kiến thức", ông Nam lưu ý và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giấc ngủ trong quá trình ôn thi. Đối với phụ huynh, ông Nam nhắc nhở cần lưu ý đến 4 trụ tinh thần chính của các em là thể chất, cảm xúc, các mối quan hệ xã hội và nhận thức.
Chuyên gia tâm lí Đỗ Trần Phương Anh, Dự án Phòng chống nguy cơ tự tử trong thanh thiếu niên, trực thuộc Hội tâm lí Hoàng gia Anh cho rằng việc tham gia nhiều kì thi cùng lúc sẽ khiến học sinh bị xáo trộn về mặt sinh hoạt rất nhiều. Vậy nên đảm bảo sinh hoạt điều độ, phù hợp với thời gian ôn tập và thi cử là điều cần thiết. Thời gian ngủ cần được đảm bảo 8 tiếng mỗi ngày đều đặn, cùng với 20-30 phút nghỉ trưa. Chế độ ăn uống cần đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp với thời tiết đầu hè nóng nực.
Bà Phương Anh nhìn nhận từ phía gia đình và nhà trường cũng cần có những hoạt động thực tế và tích cực để hỗ trợ tâm lí cho học sinh.
"Từ phía nhà trường, không nên quá đặt nặng thành tích mà chỉ nên chú trọng vào những điểm còn khuyết còn hổng, những phần kiến thức kỹ năng chưa chắc của các em để ôn luyện tập trung và hoàn thiện. Nhà trường cần có định hướng phù hợp với năng lực của các em để các em có cái nhìn chính xác về bản thân và lựa chọn trường phù hợp", bà Phương Anh nói. Đồng thời nhắc nhở các bậc phụ huynh rằng sát sao với việc học của con là cần thiết nhưng đồng thời cũng cần hỏi han, quan tâm, để ý tới tâm tư nguyện vọng, kịp thời nắm bắt được những điểm mà các con còn vướng mắc, lo lắng, hay thiếu tự tin ở bản thân.